Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh 'đánh trống bỏ dùi'

07:01, 12/01/2023

Trước khi năm học mới 2022-2023 chính thức bắt đầu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có chuyến thăm và làm việc với một số cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Biên Hòa nhằm tìm hiểu về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng như chất lượng dạy và học.

Trước khi năm học mới 2022-2023 chính thức bắt đầu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có chuyến thăm và làm việc với một số cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Biên Hòa nhằm tìm hiểu về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng như chất lượng dạy và học. Trong đó, vấn đề được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm là việc chuẩn bị kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh, bởi trong thời buổi hội nhập không biết, không giỏi tiếng Anh sẽ rất thiệt thòi.

Trước đó, trong nhiều buổi làm việc với các địa phương và lãnh đạo ngành GD-ĐT, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đều đặt vấn đề về việc phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhất là trang bị kỹ năng tiếng Anh để người lao động có thể giao tiếp và làm việc trong môi trường quốc tế. Nếu nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu này, đồng nghĩa với chúng ta bỏ lỡ những cơ hội tốt trên chính “sân nhà”. Do đó, các ngành và địa phương phải rà soát, tính toán và tăng cường việc giảng dạy tiếng Anh để sẵn sàng cho tương lai khi Đồng Nai trở thành tỉnh có sân bay lớn cùng nhiều cửa ngõ giao thương quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Thực tế cho thấy, việc giảng dạy môn Tiếng Anh trong các trường phổ thông, nhất là ở hệ thống trường công lập còn nhiều hạn chế. Học sinh được học ít tiết, chủ yếu chỉ với 2 kỹ năng đọc, viết mà chưa được rèn luyện nhiều 2 kỹ năng còn lại là nghe và nói. Phần lớn học sinh muốn rèn luyện thêm đều phải tới các trung tâm ngoại ngữ sau giờ học chính khóa. Nhiều em lựa chọn các khóa học có giáo viên người nước ngoài để tăng khả năng giao tiếp, giúp kỹ năng nghe - nói tự tin hơn.

Nắm bắt được nhu cầu được học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài, từ nhiều năm nay, một số trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết với các trung tâm ngoại ngữ về trường giảng dạy cho học sinh. Hiệu quả ban đầu từ sự liên kết này khá tốt khi các trường khai thác được lợi thế về cơ sở vật chất, mức học phí vừa phải, trình độ của học sinh cũng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, có trường còn duy trì nhưng cũng có trường không tiếp tục thực hiện vì lo ngại chất lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh đăng ký theo học ngày càng giảm…

Chính từ thực tế này nên khi xây dựng đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, ngành Giáo dục đứng trước nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là kinh phí thực hiện, điều kiện giảng dạy 2 buổi/ngày chưa đảm bảo, năng lực giáo viên người nước ngoài… Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông hiện còn khá nặng, việc tổ chức dạy và học tăng cường thêm môn Tiếng Anh liệu có gia tăng áp lực cho học sinh và phụ huynh sẽ đồng thuận hay không đồng thuận?

Trong thế giới phẳng và hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc trang bị kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông là tất yếu. Tuy nhiên, điều này cũng cần tính toán một cách phù hợp để khi triển khai đồng loạt thực sự đem lại hiệu quả, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” và “sản phẩm” khi ra trường, dù đã được học chương trình tăng cường vẫn không tự tin để làm việc trong môi trường quốc tế.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều