Đêm 8-10 - đêm "trước thềm hiệu lực" của Chỉ thị 19/CT-UBND về Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - nhiều người đã đùa, ví von là "đêm giao thừa" với hàm ý từ ngày 9-10, nhiều hoạt động KT-XH sẽ được nới lỏng, mở cửa trở lại và đường phố sẽ "vui như Tết".
Đêm 8-10 - đêm “trước thềm hiệu lực” của Chỉ thị 19/CT-UBND về Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - nhiều người đã đùa, ví von là “đêm giao thừa” với hàm ý từ ngày 9-10, nhiều hoạt động KT-XH sẽ được nới lỏng, mở cửa trở lại và đường phố sẽ “vui như Tết”.
Thật sự, Chỉ thị 19 đã tạo điều kiện và cho phép nới lỏng, mở cửa trở lại nhiều hoạt động. Việc đi lại, tham gia các hoạt động thường nhật của người dân cũng không còn hạn chế như trước, điển hình là việc bãi bỏ các loại giấy đi đường, bỏ quy định hạn chế ra đường trong khung giờ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau…
Dĩ nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc nới lỏng các hoạt động này đi kèm các điều kiện phòng, chống dịch đặc thù và cũng chưa cho phép các cơ sở KT-XH hoạt động 100% công suất như trước. Song sau gần 4 tháng, nhiều hoạt động gần như “đóng băng” để phòng, chống dịch, thì Chỉ thị 19 là chỉ thị có những quy định “rộng cửa” nhất cho sự vận hành dần trở lại bình thường của toàn xã hội.
Có lẽ vì mang tâm lý được tháo gỡ sau nhiều tháng bị “quản chặt” bởi các quy định phòng, chống dịch, đường phố TP.Biên Hòa ngày 9 và 10-10 khá đông đúc, rất nhiều hoạt động mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ… hoạt động trở lại khá sôi động. Nhiều trung tâm thương mại và siêu thị nới rộng khung giờ hoạt động và việc hạn chế số lượng người mua hàng không còn quá nghiêm ngặt như trước.
Phải thừa nhận rằng, hầu hết người dân ra đường đã đeo khẩu trang và quan sát tại nhiều điểm bán hàng hóa cho thấy, nhiều người cũng đã có ý thức giữ khoảng cách hơn so với trước. Tuy nhiên, sự chuyển đổi trạng thái quá nhanh từ vắng vẻ sang đông đúc cũng gây không ít áp lực lên nhiều điểm bán hàng hoặc các cơ sở dịch vụ, nên nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của trạng thái “bình thường mới” như giữ khoảng cách, sát khuẩn liên tục và đeo khẩu trang đúng cách.
Với tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 tính đến ngày 7-10 đạt tỷ lệ 97,71% (đối tượng từ 18 tuổi trở lên) trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó có 314.215 người đã tiêm đủ 2 liều vaccine (chiếm tỷ lệ 13,94%), việc nới lỏng các điều kiện phòng dịch, tạo điều kiện cho việc phục hồi từng bước các hoạt động KT-XH và để người dân dần quay lại cuộc sống bình thường là rất cần thiết. Song, dịch vẫn diễn biến phức tạp và nguy cơ tái bùng dịch vẫn đang “rình rập”. Kinh nghiệm từ các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Singapore hay Israel cho thấy, kể cả khi gần 100% dân số đã tiêm đủ liều, thì nới lỏng hoàn toàn các hoạt động KT-XH cũng đồng nghĩa với chấp nhận nguy cơ dịch bùng phát trở lại, tuy nhiên số bệnh nhân trở nặng sẽ giảm rất nhiều và nguy cơ quá tải y tế ít đi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng với chủng Delta thì rất khó để theo đuổi tư duy “zero Covid”, thay vào đó là phải chuẩn bị mọi điều kiện để “sống chung với dịch” an toàn, tương tự nhiều quốc gia khác trên thế giới. Song, để làm được điều này, ý thức người dân là vô cùng quan trọng, trong đó yếu tố đầu tiên là phải tuân thủ nguyên tắc 5K trong mọi hoạt động bình thường bởi nới lỏng các hoạt động KT-XH không có nghĩa là “nới lỏng” ý thức phòng dịch mà trái lại, đòi hỏi ý thức cao hơn rất nhiều so với trước.
Kim Ngân