Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh

08:04, 27/04/2021

Theo chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, trong 3 ngày từ 17 đến 20-3-1975, chủ lực Quân đoàn 4, Quân khu 7 và lực lượng vũ trang địa phương đã tiến công và nổi dậy...

ThS. Trần Quang Toại

Theo chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, trong 3 ngày từ 17 đến 20-3-1975, chủ lực Quân đoàn 4, Quân khu 7 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn H.Định Quán, tỉnh Tân Phú, mở rộng địa bàn đứng chân để Quân đoàn 4 tiến về Xuân Lộc, Long Khánh.

Chế độ Sài Gòn trong tình thế buộc phải “di tản chiến lược” bỏ khu vực Tây nguyên và vùng duyên hải miền Trung, xây dựng Xuân Lộc thành “lũy thép” phía Đông để ngăn sự tiến công của quân giải phóng trên hướng Đông Sài Gòn với trên 12 ngàn quân bộ binh.

Chiến dịch Xuân Lộc diễn ra từ ngày 9-4 đến 21-4-1975 hết sức ác liệt, địch quyết tử thủ gây cho chủ lực Quân đoàn 4 và các đơn vị địa phương nhiều khó khăn trong việc triển khai lực lượng. Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp tiêu diệt các mục tiêu của địch trong TX.Long Khánh sang đánh bao vây từ vòng ngoài, cắt đứt quốc lộ 20 (diệt chiến đoàn 52 sư 18 địch ở Dầu Giây); cắt đứt quốc lộ 1 không cho địch chi viện từ Biên Hòa lên Long Khánh; đánh chiếm các cao điểm Chứa Chan, Núi Thị (quốc lộ 1), đánh thiệt hại nặng lữ dù số 1, Trung đoàn 43 Sư 18 ở lộ 1… buộc địch phải rút chạy khỏi thị xã.

Đến ngày 21-4-1975, với cách đánh giải phóng tạo thế đứng vững chắc cho chủ lực xung quanh thị xã (ta giải phóng quốc lộ 20, Bảo Chánh, Ông Quế trên lộ 1 và 2…), “phòng tuyến thép” phía Đông của chế độ Sài Gòn bị đập tan, TX.Long Khánh được giải phóng, mở đường cho các quân đoàn chủ lực và địa phương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ ngày 26-4-1975, tiến vào giải phóng Biên Hòa, giải phóng Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Ngày 23-4 đến ngày 26-4-1975, nhận nhiệm vụ do Bộ Chỉ huy Quân đoàn 2 thống nhất cùng Ban TVTU Biên Hòa giao, 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đã huy động dự trữ được 128 tấn lương thực, huy động gần 100 dân công của các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An, Long An tham gia sửa đường 10 (đường từ tỉnh lộ số 2 qua Cẩm Đường về Bình Sơn, TT.Long Thành), đường 15B, dọn lối cho xe tăng của chủ lực Quân đoàn 2 về căn cứ Nước Trong. Huyện ủy Nhơn Trạch huy động 100 ghe, tàu thuyền tập kết tại phà Cát Lái (xã Phú Hữu) sẵn sàng đưa bộ đội chủ lực vượt sông tiến vào Sài Gòn.

Nhờ sự chuẩn bị của địa phương làm cơ sở, 15 giờ ngày 27-4-1975, Sư 304 đánh chiếm khu căn cứ Nước Trong, phá hủy 30 xe tăng, thu 14 xe, diệt gần 500 tên địch. Số lính sống sót bỏ chạy ra ngã ba Thái Lan. Sư đoàn 304 chia làm hai cánh: cánh thứ nhất hành quân vượt cánh đồng Rạch Chiếc thuộc P.Phước Tân, tiêu diệt đồn địch ở đầu cầu rồi tiến vào bao vây tấn công một góc của Tổng kho Long Bình; cánh quân thứ hai tiếp tục bao vây địch ở ngã ba Thái Lan. Trong thời gian này, đồng bào, du kích địa phương Tam Phước, An Hòa, Long Hưng đồng loạt nổ súng tấn công địch, giải phóng xã.

Ngày 27-4-1975, phối hợp cùng Sư đoàn 325, quân dân Long Thành làm chủ TT.Long Thành. Ngày 28-4, Sư đoàn 325 đánh chiếm chi khu Nhơn Trạch. Huyện ủy Nhơn Trạch đã huy động dân công cùng vũ trang địa phương chuẩn bị trận địa pháo tại nỗng Giăng Lò (Phú Hội) và đồi Bình Phú (Long Tân) cho Sư đoàn 325 đặt pháo 130mm bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu trong Sài Gòn.

Chiều 29-4-1975, với 100 ghe, tàu thuyền do nhân dân H.Nhơn Trạch chuẩn bị, Sư đoàn 325 vượt sông để tiến công vào các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn. Ngày 30-4-1975, chủ lực Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn; Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, miền Nam được giải phóng, sự nghiệp thống nhất đất nước hoàn thành.

46 năm đã qua, chiến thắng của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lịch sử: Khẳng định đường lối cách mạng và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Đặc biệt là phát huy được sức mạnh tổng hợp của Trung ương với lực lượng tại chỗ của địa phương. Chủ lực Trung ương và Quân khu miền Đông tạo điều kiện cho lực lượng tại chỗ phát triển chiến tranh nhân dân, tiến công và nổi dậy giải phóng địa phương. Ngược lại, chiến tranh nhân dân địa phương phát triển tạo thêm thế và lực mới cho chủ lực tạo ra những “quả đấm thép”, đập tan khối chủ lực địch, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh.

Sự đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai vừa tiến công, vừa phục vụ cho các binh đoàn chủ lực ở hướng Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam mãi được ghi nhận và là niềm tự hào để động viên mọi tầng lớp nhân dân vững niềm tin thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.               

T.Q.T

 

Tin xem nhiều