Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp tay cho "kỳ tích"

08:04, 28/04/2021

Dự án sân bay dân dụng quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam đang dần được "tượng hình" tại H.Long Thành, chính thức được triển khai trên thực tế sau khi Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công giai đoạn 1 vào ngày 5-1-2021.

Dự án sân bay dân dụng quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam đang dần được “tượng hình” tại H.Long Thành, chính thức được triển khai trên thực tế sau khi Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công giai đoạn 1 vào ngày 5-1-2021.

Với vai trò là địa phương chịu trách nhiệm chính về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án “vô tiền khoáng hậu” này, từ khi dự án sân bay còn “nằm trên giấy” đến khi có thể khởi công là một hành trình với rất nhiều thách thức và nỗ lực.

Để xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi tổng diện tích đất lên đến hơn 5 ngàn ha. Trong số này có 1,8 ngàn ha thuộc khu vực ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng trước để phục vụ xây dựng sân bay giai đoạn 1.

Cam kết từ trước với Chính phủ là trong tháng
10-2020, Đồng Nai sẽ thực hiện bàn giao toàn bộ diện tích khu vực 1,8 ngàn ha đất. Tuy nhiên, tại buổi lễ bàn giao mặt bằng sáng 20-10-2020, Đồng Nai đã thực hiện bàn giao diện tích đất gần 2,6 ngàn ha. Như vậy, Đồng Nai đã bàn giao vượt mức diện tích đã cam kết với Chính phủ hơn 770ha.

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu gian nan nhất của mọi dự án. Dự án sân bay với tổng diện tích lên đến hơn 5 ngàn ha, buộc phải “xóa trắng” 1 xã, di dời hàng ngàn hộ gia đình vào khu tái định cư, vận động người dân đồng thuận, tính toán việc làm cho họ trong tương lai… là những khối lượng công việc khổng lồ mà Đồng Nai phải thực hiện trong vòng vài năm ngắn ngủi. Đây là điều gần như không tưởng đối với một “siêu dự án” như dự án sân bay. Vậy nên việc giải phóng mặt bằng vượt tiến độ cam kết nói trên có thể gọi là “kỳ tích”.

“Kỳ tích” đó không phải tự nhiên mà có. Có thể nói, Đồng Nai đã dồn toàn tâm, toàn lực để giải phóng mặt bằng cho siêu dự án sân bay. Rất nhiều cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực được điều động về phục vụ dự án, nhà thầu thi công khu tái định cư phải làm ngày làm đêm, cán bộ kiểm đếm rà soát các bộ hồ sơ, bản đồ, xuống từng vườn, đo từng nhà, đếm từng cái cây, vận động và thuyết phục từng hộ dân đồng thuận… Tất cả là để đảm bảo chính sách đền bù chính xác và hợp lý nhất cho người dân vùng dự án. Thậm chí, không ít trường hợp, do diện tích đất thực tế sử dụng nhỏ hơn diện tích đất trên bản đồ và giấy tờ thửa đất, còn phải vận động người dân chịu “mất” một phần đất để dự án được tiến hành.

May mắn lớn nhất cho cả hệ thống chính trị Đồng Nai kể từ ngày đo những thửa đất đầu tiên để tiến hành giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay, có lẽ là sự thấu hiểu và đồng thuận của người dân.

Với hàng ngàn hộ gia đình, hàng chục ngàn con người, việc rời bỏ mảnh đất thân thuộc lâu nay để di dời vào khu tái định cư được ví như một cuộc “di dân lịch sử”. Quan trọng nhất là người dân di dời trong tâm thế an tâm, phấn khởi bởi họ biết rằng, khi sân bay được xây dựng và đi vào hoạt động, cái “được” lớn nhất là sự phát triển lớn mạnh của Đồng Nai nói riêng, toàn vùng Đông Nam bộ nói chung và trong tương lai đó, có sự đóng góp của mỗi cán bộ, mỗi người dân vùng dự án hôm nay.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều