Đồng Nai có 37 thành phần dân tộc sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 189.098 người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh.
Đồng Nai có 37 thành phần dân tộc sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 189.098 người, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các DTTS sống rải rác, xen kẽ trên địa bàn các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa và chủ yếu sống tập trung đông ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Một số thành phần DTTS sống tập trung thành làng, như dân tộc: Chơro, Mạ, X’tiêng, Chăm, Tày, Nùng... Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sống hòa đồng, đoàn kết, mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, tập quán, lễ hội, phong tục... tạo nên bản sắc riêng của từng dân tộc.
Với đặc thù của từng dân tộc ở Đồng Nai, việc sống xen kẽ, rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ, dẫn đến khó khăn trong đầu tư xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương đề ra. Trong những năm qua, thực hiện công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở vùng đồng bào DTTS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời đề ra các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Việc triển khai thực hiện các chính sách đối với DTTS đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng nâng cao. Có thể nói, thành tựu mà các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được là rất to lớn. Song, hiện nay khoảng cách phát triển ở vùng đồng bào DTTS và miền núi với các vùng khác trên địa bàn tỉnh còn có sự chênh lệch. Trong đó có một số vấn đề cần quan tâm giải quyết như: tỷ lệ con em đồng bào đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu đã tăng lên nhưng càng học lên các lớp cao hơn thì tỷ lệ học sinh giảm dần; còn nhiều hộ đồng bào DTTS có nhu cầu sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng nhà để ở; còn nhiều hộ đồng bào có nhu cầu về đất, về vốn, về cây con giống và kiến thức khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống...
Nhằm phát huy những kết quả công tác dân tộc trong những năm qua và hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS ở Đồng Nai, đòi hỏi cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, cơ quan thực hiện công tác dân tộc của tỉnh cần sớm tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thanh Nga