Báo Đồng Nai điện tử
En

Thích nghi và thay đổi

11:08, 07/08/2017

Sự có mặt của thương hiệu cửa hàng tiện lợi Seven Eleven tại TP.Hồ Chí Minh trong tháng 6 vừa qua được cho là sự kiện đáng chú ý trong ngành bán lẻ

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản đổ bộ vào Việt Nam
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản đổ bộ vào Việt Nam

Sự có mặt của thương hiệu cửa hàng tiện lợi Seven Eleven tại TP.Hồ Chí Minh trong tháng 6 vừa qua được cho là sự kiện đáng chú ý trong ngành bán lẻ. Tham vọng gầy dựng trên 1 ngàn cửa hàng tại Việt Nam trong 3 năm tới của tập đoàn bán lẻ được cho là hiệu quả nhất thế giới này một lần nữa khẳng định các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã và đang nhắm đến các quốc gia như Việt Nam bởi sự hấp dẫn về tăng trưởng mua sắm, tiêu dùng.

Ngoài việc mở ra các đại siêu thị và trung tâm mua sắm lớn, các cửa hàng tiện lợi của những ông chủ lớn cũng đã len lỏi vào từng khu phố, bán từ bịch dầu gội đầu giá chỉ 500 đồng/gói đến thanh chocolate nhập khẩu từ châu Âu hay Nhật Bản. Thực tế đây là mô hình tiệm tạp hóa phiên bản hiện đại, đã được chuẩn hóa từ khâu trưng bày đến cơ cấu mặt hàng, đến máy móc tính tiền, chất lượng và xuất xứ hàng hóa... Tùy nhu cầu mà quy mô cửa hàng tiện lợi được “co giãn” cho phù hợp với địa điểm, cơ cấu hàng hóa cũng dần được địa phương hóa để lấy lòng khách hàng.

Tại các quốc gia phát triển, cửa hàng tiện lợi là một trong các kênh mua sắm chính hàng ngày của người dân và do đó, nhiều tập đoàn đang nhắm đến việc mở rộng phân phối tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển và tốc độ đô thị hóa nhanh như Việt Nam. Từ lâu, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi của nhà đầu tư trong và ngoài nước, như: FamilyMart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart... đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành. Câu hỏi đặt ra là các tiệm tạp hóa truyền thống sẽ phải làm gì để “so găng” cùng các đối thủ lớn?

Thực tế đến lúc này, cửa hàng tiện lợi cũng chưa thể lấn át doanh thu tiệm tạp hóa do độ phủ sóng chưa quá cao, song tương lai, sự cạnh tranh này được dự đoán sẽ khốc liệt hơn. Nhìn thực tế, các tiệm tạp hóa truyền thống đang thua hẳn các cửa hàng tiện lợi về trình bày hàng hóa, sự tiện dụng sạch sẽ, thái độ nhân viên, sự đa dạng mặt hàng, thậm chí độ tin cậy về chất lượng hàng hóa... Song, các điểm yếu này có thể khắc phục được phần nào nếu những người chủ tiệm ý thức được sự cạnh tranh đó. Đặt kế bên nhau, một bên là cửa hàng tiện lợi với không gian thoáng, mát, sạch sẽ, có kèm các tiện ích, như: wifi, ghế ngồi tạm, hàng hóa phong phú chủng loại, có đồ ăn nhanh và cà phê mang đi... so với một tiệm tạp hóa không gian chật hẹp, hàng hóa bày biện rườm rà, bụi bặm... thì thật khó để khách hàng lựa chọn nếu đã có sẵn cho họ sự chọn lựa. Chính vì vậy, để tồn tại được, không gì hơn là phải tự thay đổi và thích nghi với thời cuộc, với nhu cầu tận hưởng các tiện nghi mua sắm ngày càng cao của khách hàng.

Cạnh tranh và giành thị phần là chuyện sẽ xảy ra trong bất cứ lĩnh vực nào khi Việt Nam hội nhập, nhất là ở mảng bán lẻ, do đó, tiệm tạp hóa hay một ngôi chợ truyền thống, một trung tâm mua sắm trong nước... đều phải có sự thay đổi kịp thời nhằm thích nghi, tồn tại và phát triển.

Vi Lâm

Tin xem nhiều