Cách đây 4 tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận ý kiến về việc triển khai gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đà phát triển cho nông nghiệp sạch.
Cách đây 4 tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận ý kiến về việc triển khai gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đà phát triển cho nông nghiệp sạch. Các đơn vị như Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại lớn... có trách nhiệm nghiên cứu triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng vốn giải ngân từ gói tín dụng này gần như bằng 0. Chính phủ lại vừa chỉ đạo hạ thêm mặt bằng lãi suất gói này thấp hơn 1-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung. Có điều vẫn chưa có gì là hứa hẹn rằng gói tín dụng này sẽ tạo được động lực phát triển cho ngành.
Thực ra, không phải đến lúc này Chính phủ mới quan tâm đến nhu cầu vốn cho nông nghiệp, trên thực tế nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân - nông nghiệp - nông thôn trên lĩnh vực vay vốn ngân hàng đã ra đời, song thường xuyên gặp khó khi triển khai bởi chính sách liên quan đến tiền vốn thường không vượt qua được quy luật thị trường.
Về bản chất, nông dân hay doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đều là những khách hàng vay vốn, tương tự các đối tượng khác (doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) nên buộc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, phương án phòng ngừa rủi ro… chứ rất ít khi có ngoại lệ. Vì sao? Vì các ngân hàng, xét về lý phải làm ra lợi nhuận và đảm bảo số tiền vay, nên không thể “động lòng” với nông dân mà thả lỏng các quy định một cách cảm tính. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ hoặc nông dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thường không đáp ứng được các tiêu chí vay vốn mà ngân hàng đặt ra. Do đó, suốt một thời gian dài, nông dân và ngân hàng gần như không tìm được tiếng nói chung. Thật sự ngân hàng gần như không khi nào thiếu vốn để cho vay, tuy nhiên lại cần khách hàng đảm bảo đủ các yếu tố an toàn vốn, bởi ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để rủi ro mất vốn.
Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đã tham gia vào nông nghiệp, nhu cầu vốn tăng. Chính vì vậy, tỷ lệ tăng trưởng vốn vay trong lĩnh vực nông nghiệp thường cao hơn tỷ lệ chung, đó là một tín hiệu đáng mừng. Mặc dù vậy, cũng rất khó để yêu cầu các ngân hàng nới tay về điều khoản. Thay vào đó, chính sách có thể thiên về cách hỗ trợ, làm đòn bẩy để lãi suất vay trong các lĩnh vực này ưu đãi hơn so với các lĩnh vực đầu tư khác, để thu hút thêm nông dân và doanh nghiệp tham gia. Các quốc gia khuyến khích nông nghiệp cũng thường tìm cách hạ mặt bằng lãi suất nhiều hơn là can thiệp vào các quy định cho vay của ngân hàng.
Hy vọng, Chính phủ sẽ có những biện pháp và chính sách thích hợp để thiết lập mặt bằng lãi suất thực sự hiệu quả cho đầu tư nông nghiệp trong thời gian tới.
Vi Lâm