Cách đây hơn 20 năm, Chính phủ đã vạch ra mục đích phát triển thị trường ô tô trong nước bằng khá nhiều chính sách, trong đó có những ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước.
Cách đây hơn 20 năm, Chính phủ đã vạch ra mục đích phát triển thị trường ô tô trong nước bằng khá nhiều chính sách, trong đó có những ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Mục tiêu xa hơn là xây dựng một ngành sản xuất ô tô vững chắc và có những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam hoặc ít nhất là sản xuất, lắp ráp trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao. Tuy nhiên, đến hiện tại tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lắp ráp trong nước vẫn còn rất khiêm tốn, mặc dù vẫn có một số doanh nghiệp nhiều tâm huyết và đầu tư lớn cho ngành, như: Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco Group), Công ty cổ phần Hyundai Thành Công.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Gần đây, Thái Lan và Indonesia nổi lên như những quốc gia xuất khẩu ô tô khá lớn trong khu vực, ngay cả người tiêu dùng Việt Nam cũng đang chuộng ô tô nhập từ Thái hơn ô tô lắp ráp trong nước, dù là cùng dòng xe, cùng nhãn hiệu. Một số dòng xe bán chạy ở Việt Nam, như: Fortuner (Toyota), Civic (Honda), Everest (Ford)... đã và đang có kế hoạch chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu từ Thái Lan. Sẽ không có gì để băn khoăn nhiều nếu không có việc chỉ trong hơn 1 năm tới, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức có hiệu lực và thị trường ASEAN với trên 600 triệu người tiêu dùng sẽ là một thị trường chung cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo hiệp định này, kể từ ngày 1-1-2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực sẽ giảm về 0%. Có thể các nhà kinh doanh ô tô đã tính toán kỹ và thấy rằng giữa việc nhập khẩu 1 chiếc xe từ Thái Lan về bán sẽ lãi hơn so với sản xuất lắp ráp trong nước, người tiêu dùng lại đang ưa chuộng xe nhập khẩu hơn nên nhiều hãng xe đã rục rịch đưa ra ý tưởng nhập xe về bán.
Nói như vậy không có nghĩa là ô tô Việt Nam mất hẳn cơ hội. Thực tế, cơ hội vẫn chia đều cho tất cả các quốc gia và tùy vào nỗ lực của mình mà có nắm được hay không. Điều kiện để hưởng mức thuế suất 0% vào đầu năm 2018 là ô tô phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên. Tại Việt Nam, Trường Hải đang là hãng xe sở hữu tỷ lệ nội địa hóa cao nhất đối với các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi là hơn 32% và đang phấn đấu đạt 40% để có thể xuất khẩu ra ASEAN. Tuy nhiên, đáng buồn là ngoài Trường Hải ra, công nghiệp ô tô trong nước bao năm qua với những lấn cấn về chính sách đã và đang giậm chân tại chỗ, chưa có nhiều chuyển biến.
Nhiều chuyên gia lo ngại sẽ có một sự dịch chuyển lớn về địa điểm sản xuất và lắp ráp ô tô khi ATIGA có hiệu lực. Đơn cử, Thái Lan với nền công nghiệp hỗ trợ phát triển có thể sẽ là nơi thu hút các hãng ô tô lớn dời các dây chuyền lắp ráp về đó, vừa rẻ lại vừa có lãi nhiều hơn nếu từ Thái Lan ô tô được bán đi khắp các quốc gia ASEAN với thuế suất 0%. Như vậy, nếu không có chuyển biến gì nhanh hơn nữa, công nghiệp ô tô trong nước trong những năm tới có thể sẽ phải chứng kiến thêm những bước lùi đáng kể.
Vi Lâm