Diễn đàn logistics (vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ...) Việt Nam năm 2016 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 24-11 do Bộ Công thương, Bộ Giao thông - vận tải, Ngân hàng Thế giới và Thời báo Kinh Tế Việt Nam phối hợp tổ chức với hơn 500 doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia tham dự đã đưa ra nhiều con số so sánh khá nhức nhối: chi phí logistics của Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Malaysia 12% và cao gấp 3 lần chi phí logistics của Singapore.
Diễn đàn logistics (vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ...) Việt Nam năm 2016 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 24-11 do Bộ Công thương, Bộ Giao thông - vận tải, Ngân hàng Thế giới và Thời báo Kinh Tế Việt Nam phối hợp tổ chức với hơn 500 doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia tham dự đã đưa ra nhiều con số so sánh khá nhức nhối: chi phí logistics của Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Malaysia 12% và cao gấp 3 lần chi phí logistics của Singapore.
Diễn đàn cũng vạch ra, chi phí logistics của Việt Nam được coi là cao nhất thế giới. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy đối với nhiều ngành hàng, chi phí logistics đang chiếm rất cao trên giá thành: thủy sản với hơn 12%, đồ gỗ với 23%, rau quả 29,5% và gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành. Trong đó, vận tải chiếm khoảng 60% trên tổng chi phí logistics.
Có nhiều nguyên nhân khiến chi phí logistics tại Việt Nam đắt đỏ như trên. Song, tựu trung lại vẫn là các lý do kinh điển: hạ tầng kém, kẹt xe, thiếu thông tin kết nối; cảng biển và cảng sông ít và phân bố chưa hợp lý; doanh nghiệp ngành logistisc trong nước còn yếu, lệ thuộc nước ngoài; chi phí không chính thức cao... Tất cả những điều này đã làm hàng Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh, đặc biệt trên thị trường quốc tế bởi giá thành luôn cao hơn do phải chịu chi phí logistics quá nhiều. Thực tế, tìm cách để giảm dù chỉ 1% giá thành cho hàng hóa là rất khó, nhiều chủ doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vốn liếng, cắt giảm chi phí để giảm giá thành. Song đến khi ra thành phẩm, chi phí cho logistics lại quá lớn và dễ dàng tăng khi có biến động. Vậy nên, cùng với những cơ hội mới mở ra trong hội nhập, doanh nghiệp vẫn chưa thoát được những khó khăn, thách thức ở môi trường sản xuất - kinh doanh trong nước, khiến hàng Việt dần trở nên yếu thế ngay cả ở sân nhà khi hàng ngoại nhập tràn vào.
Logistics đang ngày một trở nên quan trọng trong nền kinh tế do Việt Nam ngày càng len lỏi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Một món hàng tại Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng cùng loại của Singapore, Thái Lan và chỉ hơn thua vài phần trăm về giá, những hợp đồng lớn có thể bị mất. Hiện tại, chính sách phát triển logistics đã được bàn đến rất nhiều. Song sau nhiều năm, dịch vụ logistics nhìn chung dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là khi kết nối hạ tầng giao thông còn quá kém. Thật khó để phát triển dịch vụ một cách đồng bộ nếu khoảng thời gian di chuyển từ Biên Hòa về TP.Hồ Chí Minh vẫn mất hơn 1 giờ đồng hồ, chưa kể kẹt xe hoặc các sự cố khác. Bản thân các doanh nghiệp tham gia ngành logistics của Việt Nam cũng đang yếu thế nhiều về vốn, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong dịch vụ... Thị trường này mấy năm qua trở thành sân chơi của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: Nhật Bản, châu Âu... và có tiến triển về mặt chất lượng dịch vụ, song chưa thấy rõ, trong khi nhu cầu sử dụng ngày một tăng. Ở góc độ doanh nghiệp nói chung thì ai tham gia thị trường logistics không quan trọng, quan trọng là giá và chất lượng để có thể giúp họ giảm giá thành, nâng cao hơn sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường cả trong nước và quốc tế.
Vi Lâm