Xuất phát từ nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh thực phẩm đã tự gắn mác hữu cơ, từ gạo, rau, thịt, cá... đến các sản phẩm từ sữa, trứng...
Xuất phát từ nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh thực phẩm đã tự gắn mác hữu cơ, từ gạo, rau, thịt, cá... đến các sản phẩm từ sữa, trứng... Mới đây nhất, “người khổng lồ” ngành sữa là Vinamilk cũng tham gia phân khúc này với sản phẩm sữa hữu cơ. Trước đó, Vinamit cũng có nhiều nỗ lực để cho ra các sản phẩm hữu cơ. Về giá, sản phẩm gắn mác hữu cơ luôn cao hơn các sản phẩm bình thường ít nhất 20-30%. Nhưng câu hỏi đặt ra là, thực sự một loại nông sản được cho là hữu cơ phải tuân theo những nguyên tắc nào, và ai kiểm soát phân khúc thị trường đang tăng trưởng mạnh này?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tùy theo tiêu chuẩn của mỗi quốc gia, thực phẩm hữu cơ có những định nghĩa khác nhau. Song tựu trung lại, đó là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ là khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ nói chung luôn hướng đến nuôi trồng thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể hạn chế sử dụng một số loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón tổng hợp. Thực phẩm hữu cơ cũng không được phép xử lý bằng chiếu xạ, dung môi công nghiệp hoặc các chất phụ gia thực phẩm tổng hợp. Nông nghiệp hữu cơ được coi là một hệ thống kỹ thuật nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học. Nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hormone tăng trưởng, mà phấn đấu cho sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học, trong khi với những ngoại lệ hiếm hoi, cấm thuốc trừ sâu tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, và hormone tăng trưởng.
Từ những quy chuẩn khá phức tạp đó, nên muốn xác định một sản phẩm có thực sự “hữu cơ” hay không cần rất nhiều bước, từ kiểm tra nguồn đất, nguồn nước, giống… chứ hoàn toàn không phải theo cách nghĩ dễ dãi thông thường. “Hữu cơ nghĩa là không sử dụng bất cứ chế phẩm sinh học hay hóa học nào trong quá trình nuôi trồng, chế biến”, vì sản phẩm hữu cơ vẫn được sử dụng một vài loại chế phẩm hoặc thuốc trừ sâu (tất nhiên theo những tiêu chuẩn ngặt nghèo). Lãnh đạo Vinamit từng chia sẻ, để có vùng nguyên liệu 200 hécta dành riêng cho dòng sản phẩm hữu cơ, phải mất đến 3 năm và tốn nhiều chi phí để làm sạch nguồn đất và nguồn nước, vốn nhiễm rất nhiều hóa chất và kim loại nặng.
Hiện tại, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ cho riêng mình. Do đó, doanh nghiệp muốn chứng nhận cho sản phẩm của mình đạt chuẩn hữu cơ, phải sử dụng các hệ thống chứng chỉ của các tổ chức nước ngoài, tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí.
Đường đến với thực phẩm sạch là con đường khá gian nan. Và Nhà nước cần nhanh chóng có những trợ lực kịp thời về chính sách: vốn giá rẻ; thử nghiệm và quy hoạch các vùng có thể sản xuất hữu cơ, đồng thời công bố thông tin rõ ràng; kết nối đầu ra... để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ, tránh tình trạng “loạn... hữu cơ” như hiện tại vì rất nhiều người bán tự xưng là sản phẩm hữu cơ, và người tiêu dùng cũng mua lầm với giá cao.
Vi Lâm