Nếu khởi nghiệp trong nhiều ngành nghề khác, doanh nghiệp phải vất vả tìm nguồn vốn rẻ thì với đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) có thể hỗ trợ vốn đầu tư lên đến 30 ngàn USD cho dự án giết mổ tập trung và 6,6 ngàn USD cho điểm giết mổ vệ tinh.
Nếu khởi nghiệp trong nhiều ngành nghề khác, doanh nghiệp phải vất vả tìm nguồn vốn rẻ thì với đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) có thể hỗ trợ vốn đầu tư lên đến 30 ngàn USD cho dự án giết mổ tập trung và 6,6 ngàn USD cho điểm giết mổ vệ tinh.
Mặc dù vậy, sau nhiều năm, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giết mổ tập trung vẫn là điều khó. Theo quy hoạch, Đồng Nai sẽ xây dựng 35 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và 15 cơ sở giết mổ vệ tinh. Song hiện nay mới chỉ có 27 cơ sở giết mổ tập trung và 13 cơ sở giết mổ vệ tinh đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động. Thực tế, ngay cả những lò mổ đã hoạt động vẫn đang phải chống chọi với nhiều khó khăn, chủ yếu là do công suất quá thấp so với đầu tư do bị các lò mổ lậu cạnh tranh gay gắt. Lò mổ tập trung Thân Hương (huyện Vĩnh Cửu) là một trong những ví dụ tiêu biểu khi sau một thời gian hoạt động, mặc dù được đánh giá là lò mổ phát triển khá tốt, thu hút thêm được nhiều khách hàng, song hiện lò mổ này mới chỉ khai thác 1/3 so với công suất thiết kế giết mổ và vẫn đang chèo chống với chi phí vận hành. Các lò giết mổ có phép hiện tại cũng chỉ duy trì công suất hoạt động ở mức 30-40%, thậm chí có lò phải đóng cửa sau nhiều năm chống chọi với khó khăn.
Thống kê cho thấy toàn tỉnh vẫn còn trên 140 lò mổ lậu đang hoạt động, chủ yếu theo hình thức “nửa bí mật, nửa công khai” tại tất cả các địa phương, trong đó có TP.Biên Hòa. Về mặt quản lý, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho rằng trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương khi buông lỏng quản lý, để các lò mổ không phép tồn tại tràn lan trong các khu dân cư. Chính vì vậy, dù đã có hơn 5 năm sắp xếp, số lượng các lò mổ lậu vẫn không giảm đi bao nhiêu.
Thực tế, thi thoảng lại có một vụ việc lò mổ lậu bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, song số lượng này khiêm tốn đến nỗi không tạo được sức ép gì cho các lò mổ lậu còn lại. Chính quyền dường như chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Một khía cạnh khác là chính thói quen sử dụng thịt “nóng” của người tiêu dùng bao lâu nay cũng tạo điều kiện cho các lò mổ lậu tồn tại. Trong khi các lò giết mổ tập trung đòi hỏi các quy trình giết mổ đúng chuẩn, thịt được bảo quản lạnh ngay sau giết mổ cho đến khi ra chợ, đến tay người tiêu dùng thì thịt heo tại các lò mổ lậu từ bàn mổ được chở ngay ra điểm tiêu thụ, còn “nóng ấm” theo đúng sở thích nhiều người mua. Có cung tất có cầu, từ sự buông lỏng của chính quyền đến sự tiếp tay thầm lặng của người tiêu dùng khiến bao năm qua nỗ lực đưa thịt sạch đến bàn ăn gặp nhiều trắc trở. Có lẽ chỉ đến khi “phần gốc” được giải quyết một cách mạnh tay hơn nữa thì quá trình giết mổ và tiêu thụ thịt mới minh bạch, rõ ràng và thu hút được nhiều nhà đầu tư tâm huyết hơn.
Vi Lâm