Cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải, nối 2 bờ giữa huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được đánh giá là dự án quan trọng trong việc kết nối giao thông vùng. Tuy nhiên, đây là dự án không dễ đầu tư.
Cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải, nối 2 bờ giữa huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được đánh giá là dự án quan trọng trong việc kết nối giao thông vùng. Tuy nhiên, đây là dự án không dễ đầu tư.
Hình ảnh minh họa cầu Phước An nối Huyện Nhơn Trạch với huyện Tân Thành. Nguồn: Internet |
Sở Giao thông - vận tải (GT-VT) Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cầu Phước An thuộc dự án đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này do tỉnh đầu tư kết nối 34 cảng theo quy hoạch dọc sông Thị Vải (hiện đã có 20 cảng đi vào hoạt động) kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, là tuyến đường đối ngoại quan trọng gắn kết với Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam bộ. Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GT-VT Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, hiện tuyến đường liên cảng này đã được đầu tư hơn 13km, phần còn lại hơn 4km dự kiến hoàn thiện trong năm 2017. Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang 50m, là đường trục chính các khu công nghiệp. Đường liên cảng giai đoạn 1 đến nay đã đầu tư gần hoàn tất và giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Phước An để phát huy tác dụng tuyến đường này. Cầu Phước An sẽ nối đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải với đường vào Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch), từ đó kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường 319 để lên cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Như vậy, cầu Phước An rất quan trọng trong việc kết nối lưu thông của toàn hệ thống đường. Khi dự án hoàn thiện, tuyến đường này gần như sẽ được các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa lựa chọn lưu thông thay thế cho quốc lộ 51 để đến Cảng Cái Mép do tiện lợi và khoảng cách ngắn hơn.
Cầu Phước An dự kiến xây dựng là cầu dây văng, bê tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài hơn 3km, rộng 23m; cầu có tĩnh không thông thuyền 55m, đảm bảo cho 2 luồng tàu có tải trọng 30 ngàn DWT lưu thông. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 7 ngàn tỷ đồng. Dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao). Cũng theo ông Thảo, sở dĩ phải xây dựng cầu dây văng để đảm bảo độ cao tĩnh không thông thuyền cho loại tàu 30 ngàn DWT qua lại. Phía thượng nguồn sông Thị Vải có các cảng của Đồng Nai được đầu tư xây dựng đón loại tàu 30 ngàn DWT, vì vậy buộc tĩnh không của cầu phải đảm bảo độ cao để cho các loại tàu này qua lại, chính vì vậy đòi hỏi vốn đầu tư khá cao. Theo ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay dự án này cũng đã có đơn vị đăng ký xin đầu tư dự án, đây cũng là một thuận lợi. Theo đánh giá của Sở GT-VT Đồng Nai, về ý nghĩa dự án thì tốt, song số vốn để đầu tư cho dự án không hề nhỏ đang là một rào cản.
Theo Sở GT-VT Đồng Nai, để kết nối được thì hệ thống đường đầu tư giữa 2 tỉnh phải tương thích. Cụ thể, tuyến đường ra Cảng Phước An bên Đồng Nai có chiều dài 11km, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1 mặt đường chỉ có 19m. Nếu xây cầu kết nối tuyến đường này, phải nâng lên làm đúng theo quy hoạch là 61m mới đảm bảo. Việc đầu tư tuyến đường này đủ 61m mặt đường, gộp chung với cầu Phước An thành 1 dự án theo hình thức BOT như đề xuất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng vốn đầu tư lên rất cao (ước tính khoảng 12 ngàn tỷ đồng); như vậy, sẽ vượt mức đầu tư của dự án BOT.
Hiện tại, Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao cho Sở GT-VT Đồng Nai phối hợp với Sở GT-VT Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu thêm các phương án đầu tư khả thi hơn cho dự án này.
Khắc Giới