Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Đồng Nai tập trung rất nhiều người dân sinh sống tại các khu đô thị.
Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Đồng Nai tập trung rất nhiều người dân sinh sống tại các khu đô thị. Trong nhiều năm qua, tỉnh luôn xem trọng công tác bảo vệ môi trường, các khu công nghiệp khi đi vào hoạt động đều phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải tại các khu đô thị lại rất thấp, chỉ đạt hơn 1% trong tổng lượng nước thải đang xả ra môi trường. Vì thế, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có hơn 250 ngàn m3 nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra kênh rạch, sông suối gây ô nhiễm cục bộ.
Thực tế, từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã có quy hoạch các dự án xử lý nước thải cho các khu đô thị lớn trên địa bàn tỉnh như: Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch… Các dự án trên có vốn đầu tư lên đến hàng triệu USD. Thế nhưng, sau nhiều năm mời gọi đầu tư, đến nay chỉ có TP.Biên Hòa triển khai xây dựng được 1 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với công suất khoảng 3 ngàn m3/ngày đêm, nhưng lại chưa có hệ thống ống để thu gom nước thải nên mới chỉ bơm nước suối Săn Máu vào xử lý, sau đó xả ngược trở lại.
Trong quyết định của Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai có 6 dự án với nguồn vốn gần 6 tỷ USD; trong đó có dự án hệ thống cấp nước và xử lý chất thải TP.Long Khánh có tổng vốn đầu tư 127 triệu USD. Điều này cho thấy, không chỉ Đồng Nai mà Chính phủ cũng ưu tiên mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư dự án xử lý nước thải sinh hoạt cho tỉnh. Thời gian qua, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu cũng quan tâm đến các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại Đồng Nai. Thế nhưng, các dự án chưa triển khai được là do vướng các thủ tục. Một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết, nếu hồ sơ, thủ tục đơn giản, có sẵn quy hoạch, đất đai để thực hiện dự án xử lý nước thải, họ sẵn sàng đầu tư vào tỉnh.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước đến năm 2030, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phải đạt 50% đối với đô thị loại 2 trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Như vậy, trong những năm tới, 11 đô thị của Đồng Nai buộc phải “tăng tốc” để hoàn thành việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và hệ thống đường ống thu gom nước thải cho các khu đô thị. Các dự án tại Đồng Nai đa số lấy vào đất của người dân và khâu bồi thường giải phóng mặt bằng mất khá nhiều thời gian. Do đó, bên cạnh việc mời gọi đầu tư hoặc ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt cho đô thị, các địa phương cũng phải thực hiện nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng, có đất giao cho chủ đầu tư thi công thì mới kịp lộ trình Chính phủ đề ra.
Khánh Minh