Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích khoảng 1,5 ngàn ha. Các CCN được phân bổ ở các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh nhưng địa phương tập trung nhiều CCN là Vĩnh Cửu và Trảng Bom.
Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích khoảng 1,5 ngàn ha. Các CCN được phân bổ ở các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh nhưng địa phương tập trung nhiều CCN là Vĩnh Cửu và Trảng Bom.
Đa số các CCN này đã được quy hoạch từ giai đoạn 2011-2020 nhưng vì chưa triển khai được nên tiếp tục chuyển qua giai đoạn sau. Trong đó có những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm trước chưa được tháo gỡ, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh chậm so với kế hoạch đã đề ra. Những vướng mắc đó chủ yếu liên quan đến thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, suất đầu tư cao nhưng diện tích cho thuê ít khiến lợi nhuận thấp. Do đó, các doanh nghiệp (DN) không mặn mà với việc tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN dù tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ.
Sau hơn 10 năm mời gọi đầu tư hạ tầng CCN, đến nay toàn tỉnh mới có 4 CCN cơ bản hoàn thiện được hạ tầng và đã được các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thuê lại đất để đầu tư nhà xưởng sản xuất. Mục tiêu của tỉnh khi quy hoạch và triển khai các CCN là để di dời các DN vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào để bảo vệ môi trường và đảm bảo quy hoạch về xây dựng. Các DN, cơ sở vào CCN sẽ có đủ điều kiện và cơ hội tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu, xuất khẩu sản phẩm. Thế nhưng, những vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai đang gây ách tắc các dự án CCN. Đơn cử là trong các CCN thường có lẫn đất công là sông, suối, đường… thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương và UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ TN-MT hướng dẫn xử lý những diện tích đất công trên, nhưng đã qua mấy năm việc này vẫn chưa tháo gỡ được khiến nhiều dự án CCN và dự án trên các lĩnh vực khác không thể triển khai. Ngoài ra, khâu bồi thường để thu hồi đất cũng gặp nhiều trở ngại liên quan đến giá bồi thường, vì một số người dân chưa đồng thuận và cho rằng giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên chưa giao đất. Bên cạnh đó, còn do các địa phương thiếu nơi tái định cư để di dời người dân bị thu hồi đất cho dự án nên các hộ gia đình đợi có đất tái định cư mới giao đất cho nhà đầu tư. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh cần sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương giải quyết nhanh để rút ngắn thời gian thực hiện dự án hạ tầng CCN.
Nếu các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng không được giải quyết nhanh thì tỉnh rất khó mời gọi DN đầu tư hạ tầng CCN. Đồng thời, khi tìm được chủ đầu tư thì dự án sẽ chậm triển khai. Dự án kéo dài sẽ bị đội thêm nhiều vốn đầu tư so với dự kiến ban đầu và tỉnh cũng sẽ không đảm bảo được tiến độ xây dựng các CCN để di dời các cơ sở, DN nhỏ và vừa vào để đảm bảo môi trường và quy hoạch. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Khánh Minh