Khoảng 2 giờ sáng 2-3, trong lúc tuần tra bảo vệ rừng tại địa phận ấp 4, xã Đắk Lua (H.Tân Phú), lực lượng kiểm lâm phát hiện một nhóm đối tượng đang có hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép động vật rừng. Để tẩu thoát, nhóm đối tượng "lâm tặc" đã sử dụng hung khí tấn công lực lượng kiểm lâm.
Khoảng 2 giờ sáng 2-3, trong lúc tuần tra bảo vệ rừng tại địa phận ấp 4, xã Đắk Lua (H.Tân Phú), lực lượng kiểm lâm phát hiện một nhóm đối tượng đang có hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép động vật rừng. Để tẩu thoát, nhóm đối tượng “lâm tặc” đã sử dụng hung khí tấn công lực lượng kiểm lâm. Hậu quả, 3 kiểm lâm viên đã bị chém gây thương tích nhiều nơi trên cơ thể, phải vào cơ sở y tế cấp cứu. Đây chỉ là một vụ điển hình trong rất nhiều vụ lực lượng quản lý, bảo vệ rừng bị các đối tượng xâm nhập rừng khai thác lâm sản trái phép tấn công, gây thương tích trong thời gian qua.
Đồng Nai có hơn 172 ngàn ha đất có rừng; trong đó có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu). Để quản lý những cánh rừng rộng lớn, bảo vệ “lá phổi xanh” của cả vùng Đông Nam bộ, từ lâu tỉnh Đồng Nai đã thực hiện cấm rừng, từng bước tiến hành di dời người dân sống trong các vùng lõi ra khỏi rừng, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giáp ranh với rừng thực hiện tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, không xâm nhập rừng để khai thác lâm sản. Tuy nhiên, một số người vì lợi ích cá nhân vẫn lợi dụng rừng rộng lớn cố tìm cách lén lút xâm nhập rừng khi vắng bóng dáng kiểm lâm để khai thác lâm sản trái phép. Với hành vi vi phạm pháp luật, nhiều đối tượng khi bị phát hiện đã manh động dùng hung khí tấn công kiểm lâm viên để tẩu thoát, gây nhiều nguy hiểm cho lực lượng bảo vệ rừng.
Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả của các kiểm lâm viên khi phải sống ở nơi hoang vắng, xa gia đình, đồng lương lại eo hẹp, lực lượng mỏng nhưng phải phụ trách quản lý diện tích rừng rộng lớn, lại đối mặt với nhiệm vụ nhiều rủi ro, nguy hiểm đến sức khỏe. Thậm chí, máu của lực lượng kiểm lâm đã nhiều lần đổ xuống để bảo vệ những cánh rừng được bình yên. Thế nhưng, vì trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, mà trên hết là tình yêu đối với rừng, lực lượng kiểm lâm thời gian qua vẫn ngày đêm gắn bó với những cánh rừng rậm rạp để bảo vệ cây rừng, muông thú sinh sôi, phát triển và cũng là để bảo vệ môi trường sống của chúng ta được trong lành.
Để máu rừng thôi chảy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo các chế độ chính sách cũng như tăng cường trang bị các công cụ, phương tiện cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để lực lượng này yên tâm gắn bó với nhiệm vụ vất vả và đầy hiểm nguy. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng với những người dân sống ven rừng, những người gắn cuộc sống với việc khai thác rừng; tạo điều kiện cho họ chuyển đổi nghề nghiệp để không còn tiếp tục hành vi xâm nhập rừng để khai thác lâm sản trái phép. Đặc biệt, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý thật nghiêm với các hành vi vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các hành vi tấn công gây thương tích cho lực lượng bảo vệ rừng.
Phạm Mai