Nhằm tự chủ trong công tác tuyển sinh, lựa chọn được những sinh viên ưu tú đáp ứng yêu cầu đào tạo, từ nhiều năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhằm tự chủ trong công tác tuyển sinh, lựa chọn được những sinh viên ưu tú đáp ứng yêu cầu đào tạo, từ nhiều năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả kỳ thi này không chỉ được các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM lấy làm một trong những phương thức xét tuyển mà nhiều trường đại học khác cũng chọn kết quả này thành kênh tuyển sinh chất lượng cho mình.
Khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều bài thi, kỳ thi đánh giá năng lực chỉ có 1 bài thi theo hướng tích hợp, bao quát toàn diện kiến thức. Bài thi gồm 120 câu hỏi, thời gian làm bài 150 phút, tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của học sinh. Tham gia kỳ thi này, đòi hỏi thí sinh phải trang bị được kiến thức toàn diện, tránh tình trạng học vẹt, học “tủ”. Những thí sinh trúng tuyển vì thế có nhiều cơ hội trúng tuyển vào những trường đại học hay ngành nghề mà mình mong muốn.
Uy tín, chất lượng của kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được khẳng định khi số lượng các trường đại học chọn kết quả của cuộc thi để xét tuyển ngày một nhiều, thậm chí có trường dành tới 40-50% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển này. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM cũng tăng các đợt tổ chức kỳ thi, mở rộng các địa phương được tổ chức thi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, trong kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM mở 2 đợt thi, với số lượng thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 lên tới gần 91,5 ngàn thí sinh, tăng khoảng 10 ngàn thí sinh so với năm 2022. Kỳ thi sẽ được tổ chức ở 21 địa phương, trong đó có Đồng Nai.
Từ thành công của kỳ thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, từ năm 2023, một số trường đại học đã công bố kỳ thi đánh giá năng lực của riêng mình để làm căn cứ xét tuyển, bên cạnh các hình thức xét tuyển khác như: xét tuyển học sinh giỏi, học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT… Đây được xem là bước tiến của các trường trong việc tự chủ tuyển sinh, tiến tới tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học.
Việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nên các thí sinh phải nắm bắt tốt cơ hội này để giảm bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Bởi nếu thi tốt kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh có thể biết trước khả năng trúng tuyển của mình và hoàn toàn thoải mái trong việc chuẩn bị thi tốt nghiệp. Tất nhiên, để có kết quả tốt nhất, thí sinh cần ôn tập chu đáo theo hướng dẫn mà các trường tổ chức thi quy định, không quá ôm đồm hay chủ quan với kiến thức mình đã có để không bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển sớm vào đại học.
Minh Ngọc