Gần 10 năm trở lại đây, lắp đặt điện mặt trời được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích, vì đây là nguồn năng lượng xanh, giúp các quốc gia phát triển bền vững.
Gần 10 năm trở lại đây, lắp đặt điện mặt trời được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích, vì đây là nguồn năng lượng xanh, giúp các quốc gia phát triển bền vững. Trong lộ trình phát triển của các nhãn hàng quốc tế, sử dụng năng lượng tái tạo, điện mặt trời vào quá trình sản xuất tại các nhà máy là yêu cầu bắt buộc, bởi người tiêu dùng trên toàn cầu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn, sản phẩm phải thân thiện với môi trường. Vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) cam kết với nhãn hàng sẽ sử dụng nguồn năng lượng xanh từ việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời.
Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành phía Nam có lợi thế là thời gian nắng nhiều, rất thuận lợi để lắp đặt điện mặt trời. Đặc biệt, tỉnh có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, diện tích mái nhà của các nhà máy khá lớn, lên đến gần 5 ngàn ha. Nếu có cơ chế, chính sách đầy đủ, có thể thu hút đầu tư hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực năng lượng sạch. Thời gian qua, một số tập đoàn đa quốc gia đã đến Đồng Nai với ý định sẽ đầu tư vào điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp, nhưng do vướng về chính sách, quy định nên buộc phải chờ đợi. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tỉnh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, đầu tư vào điện mặt trời áp mái sẽ giúp DN tiết kiệm được chi phí, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các đối tác nước ngoài về sản xuất bền vững. Những DN đi đầu trong sản xuất bền vững thường được khách hàng nước ngoài ưu ái nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Vì thế, để khuyến khích DN đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất, Chính phủ nên có chính sách cụ thể, nhất quán, sát với thực tế và có tính ổn định, lâu dài. Bên cạnh đó, thủ tục để triển khai các dự án điện mặt trời áp mái nên đơn giản, tạo thuận lợi cho DN đầu tư. Đồng thời, nên thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để tháo gỡ. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng DN bị gây khó dễ, nhiêu khê. Bộ Công thương cần có “đường dây nóng” để tiếp nhận ý kiến, hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện dự án điện mặt trời.
Ngoài ra, Chính phủ cần có quy định về tiêu chí, lộ trình lắp đặt điện mặt trời để tránh lắp đặt điện mặt trời mái nhà ồ ạt, giá thành công trình sẽ bị đội lên cao, chất lượng không đảm bảo, gây quá tải với hệ thống tiếp nhận điện mặt trời.
Tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu - COP26, Việt Nam đã cam kết vào năm 2050 sẽ đưa phát thải về 0. Muốn thực hiện mục tiêu trên, DN trên các lĩnh vực của Việt Nam đều sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng điện mặt trời áp mái là giải pháp tối ưu trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế xanh. Do đó, nếu có chính sách cụ thể, rõ ràng sẽ thu hút nhiều DN tham gia đầu tư, sử dụng điện mặt trời.
Khánh Minh