Mô hình làm nông nghiệp theo hướng trang trại đang là xu hướng được ưa chuộng, đặc biệt tại các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long...
Mô hình làm nông nghiệp theo hướng trang trại đang là xu hướng được ưa chuộng, đặc biệt tại các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long... Trên thực tế, mô hình trang trại còn được nhìn nhận như một mô hình khá lý tưởng trong giai đoạn chuyển mình của ngành Nông nghiệp Việt Nam, từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô sản xuất lớn hơn.
Với diện tích dao động từ vài ha đến vài trăm ha, phổ biến ở mức hàng chục ha, kinh tế trang trại là mô hình được đánh giá là dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc áp dụng các tiêu chí sản xuất nhất quán, tiên tiến hơn hẳn so với kiểu làm nông nghiệp với diện tích nhỏ lẻ. Các trang trại cũng dễ dàng áp dụng giống mới vào sản xuất, áp dụng công nghệ mới, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp… và thậm chí, vay vốn cũng dễ hơn.
Khái niệm sản xuất lớn trong nông nghiệp tại các quốc gia tiên tiến đòi hỏi diện tích canh tác, nuôi trồng lên đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn ha. Sản xuất lớn là để hạ giá thành, áp dụng kỹ thuật một cách đồng đều, cung ứng được lượng sản phẩm lớn với chất lượng nhất quán và là mục tiêu của tất cả các quốc gia. Nông nghiệp Việt Nam dĩ nhiên cũng đặt mục tiêu chuyển mình sang sản xuất lớn và phát triển kinh tế trang trại có thể trở thành bước “chuyển mình” cần thiết.
Hiện cả nước có khoảng 30 ngàn trang trại; trong đó, có gần 8 ngàn trang trại trồng trọt, hơn 4,5 ngàn trang trại chăn nuôi, hơn 4 ngàn trang trại thủy sản, khoảng 3 ngàn trang trại tổng hợp, gần 155 trang trại lâm nghiệp (Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT). Những năm gần đây, kinh tế trang trại tại Đồng Nai được cho là phát triển khá nhanh với gần 1,7 ngàn trang trại, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Trong số đó, nhiều trang trại đã áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính, từng bước đi vào các hệ thống bán lẻ uy tín trong nước, xây dựng được thương hiệu riêng… Điều này cho thấy hiệu quả khá cao của mô hình này và cũng cho thấy tiềm năng của kinh tế trang trại còn khá lớn.
Tuy nhiên, cũng như các mô hình sản xuất nông nghiệp khác, nhiều trang trại đang vấp phải các khó khăn nội tại đã tồn tại từ lâu. Chẳng hạn, phần lớn các trang trại thiếu vốn (hoặc khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ) để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, con giống, công nghệ… Ngoài ra, hiệu quả sản xuất của các trang trại không đồng đều. Nhiều trang trại chưa có tiềm lực để ứng dụng công nghệ, áp dụng khoa học, kỹ thuật; sự liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa cao, chưa tìm được thị trường bền vững cho sản phẩm…
Tất cả những khó khăn này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp lẫn nhau giữa Nhà nước, nhà khoa học, chủ trang trại, ngân hàng, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp trong hệ thống phân phối… và dĩ nhiên không thể giải quyết tất cả khó khăn trong “một sớm một chiều”, song tất cả giải pháp đó chính là sự trợ lực tích cực cho mô hình này phát triển bền vững.
Vi Lâm