Dịch bệnh Covid-19 với tất cả những tác động, ảnh hưởng lên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội đã đặt rất nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở, cá nhân người kinh doanh…
Dịch bệnh Covid-19 với tất cả những tác động, ảnh hưởng lên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội đã đặt rất nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở, cá nhân người kinh doanh… vào tình thế buộc phải thay đổi, thích nghi với những cung cách bán hàng mới ứng dụng công nghệ, nhằm giảm thiểu khả năng tiếp xúc trực tiếp giữa người bán với người mua. Ngoài ra, nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ chỉ bằng một cái “click” lâu nay vẫn luôn là nhu cầu lớn của người sản xuất, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu hơn.
Chính vì hai yếu tố nói trên, việc Đồng Nai ra mắt sàn thương mại điện tử đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics… được nhiều DN lẫn người tiêu dùng hưởng ứng.
Theo định hướng, đây sẽ là kênh giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giúp DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cắt giảm được các chi phí trung gian, hạ giá bán sản phẩm và góp phần kích cầu tiêu dùng. Thêm vào đó, sẽ có cơ hội đem lại doanh thu cao hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng kênh phân phối hàng hóa.
Về cấu trúc, sàn thương mại điện tử của Đồng Nai được thiết kế để người bán - người mua giao dịch trực tiếp thông qua việc áp dụng hệ thống thanh toán trực tuyến (100%), đồng thời còn cung cấp dịch vụ vận chuyển/giao hàng hóa, dịch vụ kinh doanh do Bưu điện tỉnh thực hiện. Chất lượng hàng hóa cũng là yếu tố hàng đầu được các bên quan tâm rà soát.
Trả lời Báo Đồng Nai, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành nhận định, Đồng Nai là địa phương giáp ranh với TP.HCM nên tỉnh có nhiều thuận lợi trong hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa sang TP.HCM và các tỉnh, thành khác, cũng như kết nối tiêu thụ với các địa phương. Ngoài ra, các dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics khá phát triển trên địa bàn tỉnh cũng góp phần tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển thương mại điện tử, các dịch vụ giao nhận hàng hóa… Một lợi thế lớn khác của Đồng Nai là trên địa bàn tỉnh có nhiều đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp thế mạnh.
Hoạt động bán lẻ trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử của Đồng Nai tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Đồng Nai có doanh số bán lẻ trực tuyến tương đối cao so với các tỉnh, thành khác. Đơn cử, theo thống kê khảo sát của Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet), trên Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay, doanh số bán hàng từ địa bàn Đồng Nai đi các tỉnh, thành khác và cả xuất khẩu đạt hơn 220 tỷ đồng với khoảng 2,5 triệu sản phẩm được bán ra trong vòng 1 năm vừa qua.
Có thể nói, khó có DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh nào có thể “đứng ngoài” trào lưu và xu hướng thương mại điện tử trong những năm sắp tới. Dù cần thời gian để một sàn thương mại điện tử mang tính địa phương với sự trợ lực của Nhà nước chứng minh được tính hiệu quả trên thực tế, song tất cả những nỗ lực này đều cần được ghi nhận, trân trọng và chung tay đóng góp để sản phẩm của Đồng Nai có cơ hội vươn xa và mở rộng hơn thị trường tiêu thụ.
Vi Lâm