Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi

10:10, 12/10/2021

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay đến trong giai đoạn đáng nhớ nhất về mọi mặt, khi cả nước đang tập trung chống dịch Covid-19 và rất nhiều doanh nghiệp (DN) đang cố gắng vực dậy sản xuất, kinh doanh sau nhiều tháng dài giãn cách.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay đến trong giai đoạn đáng nhớ nhất về mọi mặt, khi cả nước đang tập trung chống dịch Covid-19 và rất nhiều doanh nghiệp (DN) đang cố gắng vực dậy sản xuất, kinh doanh sau nhiều tháng dài giãn cách. Đặc biệt, những tỉnh, thành được xem là “cái nôi” của sản xuất, kinh doanh (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) vừa qua lại trở thành tâm dịch, do đó những ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của dịch bệnh đến đời sống sản xuất, kinh doanh khó đo đếm hết.

Trên thực tế, trong gần 2 năm nay (2020 và 2021), do dịch bệnh bùng phát mạnh cả trong nước và trên thế giới nên nhiều doanh nhân cho biết, họ chỉ có thể cố gắng cầm cự, chứ hầu như không thể tính toán làm ăn được gì nhiều. Nếu như cả năm 2020 có trên 101 ngàn DN phá sản, dừng hoạt động thì chỉ trong 9 tháng của năm 2021, con số này đã lên đến hơn 90 ngàn và có thể sẽ còn tăng nữa. Số DN rời khỏi thị trường tăng mạnh nhưng số DN thành lập mới lại giảm mạnh, cho thấy trong thời gian sắp tới sẽ có rất nhiều thách thức vẫn còn chờ đợi doanh nhân.

Song, giữa muôn trùng khó khăn đó, đội ngũ doanh nhân đã và đang hoạt động trên đất nước Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh và trách nhiệm xã hội của mình. DN nào cũng rất gian nan tìm cách tồn tại, song vẫn liên tục đóng góp các nguồn lực cho phòng, chống dịch. Không thể đếm hết số lượng xe cứu thương, máy thở, túi thuốc an sinh, lương thực, thực phẩm, tiền mặt… mà đội ngũ doanh nhân cả nước đã góp tay với Nhà nước trong suốt hành trình chống dịch. Các hoạt động này vẫn đang được tiếp tục nhân rộng từ Trung ương đến địa phương với các hình thức hỗ trợ, đóng góp đa dạng và hiệu quả.

Hiện tại, điều đáng mừng là mặc dù còn nhiều “ngổn ngang”, song dịch bệnh ở các địa bàn trọng điểm kinh tế phía Nam cơ bản đã được kiểm soát, số ca nặng và tử vong giảm mạnh, độ phủ của vaccine phòng Covid-19 đã rộng và doanh nhân, DN lại tất bật kế hoạch tái sản xuất, kinh doanh. Lúc này, DN lại đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đứt gãy đơn hàng, nguyên liệu tăng giá… cùng hàng loạt thách thức khác. Chính phủ cùng các chính quyền địa phương cũng liên tục có các giải pháp hỗ trợ, cả gặp gỡ trực tiếp lẫn ban hành chính sách trợ lực để DN sớm vượt khó, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cho rằng hành trình phía trước với mục tiêu đưa Việt Nam sánh vai với các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, cộng đồng DN xác định "trong nguy có cơ", lấy dịch Covid-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường. Bên cạnh đó, cũng là cơ hội để DN đẩy nhanh quá trình “chuyển mình, hội nhập” như: thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững, đa dạng hóa thị trường… Điều này đúng với tinh thần bản lĩnh, vượt khó của doanh nhân Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh trong thư gửi đội ngũ doanh nhân Việt Nam nhân ngày 13-10: “Non cao cũng có đường trèo/ Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”.

Kim Ngân

Tin xem nhiều