Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, vào lúc 17 giờ ngày 22-12-1944, tại núi Dền Sinh thuộc xã Tam Kim và Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, vào lúc 17 giờ ngày 22-12-1944, tại núi Dền Sinh thuộc xã Tam Kim và Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ thành lập |
Chỉ có 34 người với 34 khẩu súng nhưng họ là những chiến sĩ dũng cảm trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân..., là con em các tầng lớp nhân dân và các dân tộc bị áp bức, có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc.
Sau lễ thành lập, Đội tổ chức một bữa cơm lạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng. Bữa cơm ấy có giá trị biểu tượng rất cao, đó là tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh. Điều đó được thể hiện rõ trong suốt các cuộc kháng chiến giữ nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong kháng chiến, nơi nào có giặc càn quét, trong lúc nhân dân tìm nơi lánh giặc thì để bảo vệ dân, bộ đội ta phải bố trí đội hình chống càn, đánh địch. Nơi nào có tay sai, ác ôn ức hiếp đồng bào, bộ đội ta phối hợp cùng các lực lượng khác tổ chức diệt ác trừ gian để một mặt thị uy với kẻ thù, mặt khác giúp nhân dân phần nào yên ổn cuộc sống. Nơi nào nhân dân bị đói rét, đau bệnh, bị thương do súng đạn kẻ thù thì để giúp dân, bộ đội ta sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, hy sinh chút lương khô hay thuốc trị bệnh. Nơi nào nhân dân cần thu hoạch mùa màng, cần tát ao bắt cá..., bộ đội ta bất kể ngày đêm tổ chức giúp dân cắt lúa, tát đìa..., để giúp có thêm khoai, thêm lúa cho đồng bào. Nơi nào bà con cần học con chữ để viết truyền đơn ủng hộ cách mạng thì trong điều kiện cho phép, bộ đội ta sẵn sàng làm người dạy chữ... Tức là nơi nào nguy hiểm nhất, cần hy sinh nhiều nhất, đồng bào gặp khó khăn nhiều nhất chính là nơi bộ đội ta có mặt, để giúp đỡ đồng bào, để thể hiện tình quân dân gắn kết keo sơn như cá với nước...
Trong hòa bình, tinh thần sẵn sàng hy sinh ấy vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi đồng bào ta đang được hưởng no ấm, yên bình thì rất nhiều đơn vị bộ đội các binh chủng phải có mặt nơi đầu sóng ngọn gió, nơi biên cương hải đảo, không chỉ đối mặt với các thế lực quân thù mà còn sẵn sàng chiến đấu với các kẻ phạm tội. Trong lúc gặp bão lũ, mưa giông, bộ đội ta trân mình giúp dân chằng chống nhà cửa, sơ tán người đến nơi an toàn, vận chuyển đồ đạc đến nơi khô ráo, dầm mưa cắt lúa cho bà con...
Trong lúc gặp thiên tai, người dân được khuyến cáo đến nơi an toàn thì bộ đội cùng một số lực lượng chức năng phải đi vào nơi nguy hiểm để khắc phục hậu quả, giúp đỡ người bị nạn, sơ tán người còn mắc kẹt... Trong lúc người dân được tận hưởng các hoạt động vui chơi giải trí trong những ngày lễ, Tết thì một bộ phận không nhỏ bộ đội và các lực lượng vũ trang phải luôn đề cao cảnh giác ngày đêm để bảo vệ cho người dân được yên vui. Và ở nơi biên cương heo hút, hải đảo xa xôi, các lực lượng vũ trang không chỉ làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù mà còn là thầy giáo, thầy thuốc, người phục vụ (nước ngọt, xăng dầu...) bằng tinh thần xả thân, không vụ lợi của những người mang quân hàm xanh...
Trong lúc kẻ thù tìm nhiều cách để chia rẽ sự gắn kết giữa quân đội và nhân dân, hẳn người dân chúng ta đủ nhận thức để làm thất bại sự chia rẽ đó. Có nhiều hình ảnh đó đây đã cho chúng ta thấy rõ. Bà con tràn ra đường để dúi vào tay các chiến sĩ nào bánh, nào nước, nào thực phẩm để dành... trong lúc các anh đang hành quân. Bà con kịp thời hỗ trợ cơm ăn nước uống cho các chiến sĩ giúp dân cắt lúa, cứu đồ khi lực lượng hậu cần chưa kịp đến. Bà con sẵn lòng chia sẻ bữa ăn, nhường nơi ngủ nghỉ cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ xa doanh trại...
Dẫu vậy, tinh thần của bữa cơm lạt năm nào vẫn luôn thường trực trong từng chiến sĩ. Một đội quân từ nhân dân đi ra, do nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà hy sinh thì không thể nào quên được tính biểu tượng của bữa cơm lạt ấy trong ngày đầu thành lập. Nên khi bộ đội và nhân dân ta hiểu và giữ được tinh thần và ý nghĩa của bữa cơm lạt ấy thì không có kẻ thù nào, thế lực nào có thể chia rẽ được tình quân dân thắm thiết. Cũng như không thể có đội quân đông đảo và hiện đại nào có thể đánh bại được quân đội của chúng ta!
Nguyễn Minh Hải