Một trong những kết quả nổi bật của công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong năm 2020 chính là nỗ lực kéo giảm số vụ, số người chết và thiệt hại do cháy so với cùng kỳ năm 2019.
Một trong những kết quả nổi bật của công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong năm 2020 chính là nỗ lực kéo giảm số vụ, số người chết và thiệt hại do cháy so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, làm chết 3 người, thiệt hại khoảng 6,6 tỷ đồng (giảm hơn 46% số vụ, giảm hơn 62% số người chết và giảm thiệt hại khoảng 6,9 tỷ đồng). Kết quả này rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường an toàn để các đơn vị, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế, nhất là nguy cơ cháy ở các cơ sở vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh hay trong các khu nhà trọ còn cao. Nguyên nhân do ý thức trong PCCC của chủ các cơ sở này chưa cao. Qua công tác kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, tại một số cơ sở vừa ở vừa kinh doanh thường xuyên để hàng hóa chật kín, đè lên dây điện hoặc khu vực cắm điện; tình trạng đốt nhang thờ cúng, đốt vàng mã ở nơi kinh doanh còn phổ biến. Tại các khu nhà trọ, nguy cơ cháy đến từ tình trạng câu mắc điện không đảm bảo an toàn, sử dụng bếp gas mini trong nấu ăn...
Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở chủ các cơ sở nói trên khắc phục tồn tại, hạn chế, chứ chưa tiến hành xử phạt vì các cơ sở này không thuộc diện quản lý về PCCC. Chính bất cập này dẫn đến việc chủ cơ sở rất chủ quan trong công tác PCCC; nguy cơ cháy ở các cơ sở này vẫn luôn hiện hữu. Do đó, Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (gọi tắt là Nghị định 136) được giới chuyên môn và dư luận đánh giá cao khi có nhiều quy định về PCCC rất sát thực tiễn, trong đó có quy định đưa nhà trọ và nhà vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh vào diện quản lý về PCCC. Từ đây, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để yêu cầu các cơ sở nói trên trang bị, thực hiện đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, có như vậy mới đủ sức răn đe.
Điều đáng quan tâm là Nghị định 136 phân quyền cho UBND cấp xã quản lý về công tác PCCC đối với các cơ sở nhỏ, lẻ (nhà trọ dưới 1 ngàn m3 và các hộ vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh có diện tích dưới 300m2). Điều đó có nghĩa là tăng trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với công tác PCCC. Do đó, thời gian tới, chính quyền cơ sở phải nâng cao năng lực về quản lý PCCC cũng như tính chuyên nghiệp, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Để các quy định của Nghị định 136 đi vào cuộc sống cần có những hướng dẫn cụ thể hơn; đồng thời tăng cường tuyên truyền các quy định mới của nghị định này để người dân hiểu rõ và thực hiện.
Đặng Ngọc