Sau hơn 5 năm hoạt động tự phát, ngày 18-11, dưới sự đồng ý của Công an TP.Biên Hòa, Đội SBC Biên Hòa đã chính thức được công nhận là một trong những mô hình phòng chống tội phạm (PCTP) của thành phố với tên gọi mới là Đội Xung kích PCTP và hỗ trợ giao thông TP.Biên Hòa
Sau hơn 5 năm hoạt động tự phát, ngày 18-11, dưới sự đồng ý của Công an TP.Biên Hòa, Đội SBC Biên Hòa đã chính thức được công nhận là một trong những mô hình phòng chống tội phạm (PCTP) của thành phố với tên gọi mới là Đội Xung kích PCTP và hỗ trợ giao thông TP.Biên Hòa trong niềm vui mừng, tự hào của hơn 20 thành viên trong đội, phần lớn là những thanh niên giàu lòng nhiệt huyết với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo tâm sự của nhiều thành viên Đội Xung kích PCTP và hỗ trợ giao thông TP.Biên Hòa, việc được UBND TP.Biên Hòa, Công an tỉnh, Công an TP.Biên Hòa ghi nhận, biểu dương thành tích trong phong trào PCTP của đội đạt được trong thời gian qua là sự khích lệ tinh thần rất to lớn, tạo động lực cho các thành viên trong đội tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong phong trào PCTP ở địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của công an thành phố về nghiệp vụ, các thành viên trong đội tự tin hơn khi tham gia truy bắt tội phạm, lường trước được những rủi ro, cũng như các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Điều đáng quan tâm khi tham gia truy bắt tội phạm, các thành viên trong các đội, nhóm, CLB PCTP tự phát, trong đó có Đội Xung kích PCTP và hỗ trợ giao thông TP.Biên Hòa là luôn đối diện với nhiều nguy hiểm. Trước hết, là nguy cơ vi phạm pháp luật nếu trong quá trình truy đuổi tội phạm vô tình gây thương tích hoặc khiến các nghi phạm tử vong. Thứ hai là nguy hiểm đến tính mạng do trong quá trình truy đuổi tội phạm bị chống trả hoặc gặp tai nạn giao thông. Thực tế đã có “hiệp sĩ” tử nạn trên đường truy đuổi tội phạm để lại sự thương tiếc khôn nguôi cho gia đình, bạn bè, đồng đội.
Rõ ràng, vấn đề bảo vệ người dân, nhất là những người tự nguyện tham gia các mô hình PCTP cần được quan tâm hơn nữa. Muốn vậy thì lực lượng công an phải quản lý hoạt động của các mô hình này, trước hết là về mặt nghiệp vụ.
Việc người dân tay không bắt tội phạm sẽ đối diện với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Nếu những “hiệp sĩ” này được huấn luyện võ thuật, kỹ năng đối phó với các tình huống nguy hiểm, được trang bị các công cụ hỗ trợ , phối hợp tốt với lực lượng công an địa phương, chắc chắn sẽ hạn chế rất lớn những rủi ro nêu trên.
Để mô hình PCTP của người dân trên địa bàn tỉnh được duy trì và đạt hiệu quả, cần phải có một quy chế phối hợp với công an địa phương và quy chế hoạt động cụ thể. Trong đó cần quy định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn của đội, nhóm, CLB PCTP là gì, trường hợp nào được dùng công cụ hỗ trợ, tình huống nào cần sự phối hợp của công an... Bên cạnh đó, cần có chính sách khen thưởng, hỗ trợ cho những người dân tham gia PCTP bị hư hỏng tài sản hay bị tai nạn thương tích để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần nghĩa hiệp của người dân khi tham gia phong trào đấu tranh PCTP.
Ngoài ra, mỗi người dân khi tham gia đấu tranh PCTP cần nắm vững, hiểu rõ các quy định pháp luật; tránh tình trạng do quá nôn nóng truy bắt tội phạm mà phạm tội cố ý gây thương tích hoặc xô xát dẫn đến những thương vong không đáng có.
Việc người dân tự nguyện tham gia phong trào đấu tranh PCTP, góp phần bảo vệ xã hội và của sống bình yên của nhân dân luôn được hoan nghênh. Tuy nhiên, các hoạt động PCTP được triển khai, ngay cả các hoạt động tự phát cũng phải luôn tuân thủ các quy định pháp luật, tránh những vấn đề pháp lý phát sinh.
Đặng Ngọc