Báo Đồng Nai điện tử
En

Người mua không 'ngoài cuộc'

09:12, 12/12/2019

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên các trang web bán hàng trực tuyến hiện nay đang khiến các cơ quan quản lý "đau đầu".

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên các trang web bán hàng trực tuyến hiện nay đang khiến các cơ quan quản lý “đau đầu”. Những không gian bán hàng trên mạng có đầy đủ chức năng mua bán, mô tả sản phẩm, giao hàng và thanh toán nhưng rất nhiều trong số đó không có kho hàng, không thanh toán qua tài khoản mà thanh toán tiền mặt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không mã vạch hoặc mã vạch giả, không tem chống hàng giả, thậm chí không nhãn mác... đã khiến các cơ quan chức năng vô cùng vất vả khi muốn lần theo “dấu vết” để kiểm soát và xử phạt.

Sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử trong mấy năm gần đây thực tế đã đem về sự tiện lợi chưa từng có cho người tiêu dùng và làm thay đổi bản chất hành vi mua - bán truyền thống. Ngồi “một chỗ”, người mua có thể đặt mua hầu hết mọi thứ mình cần trong cuộc sống, từ thịt, cá, rau củ quả đến bàn ghế, xe cộ, đồ điện tử… với đủ mọi loại thương hiệu, nguồn gốc khác nhau.

Tuy nhiên, điểm yếu của phương thức mua bán này là sự xác tín về nhãn mác, chất lượng, tính hợp pháp… của món hàng hầu như lệ thuộc vào uy tín của trang web bán hàng hoặc tùy vào uy tín cá nhân người bán. Do có tính đặc thù riêng nên hiện nay, mua bán hàng trực tuyến hầu như thiếu hẳn sự kiểm soát tối thiểu của cơ quan quản lý trong mọi khâu: thanh toán, giao hàng, kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng món hàng… Vậy nên thời gian qua, mua bán hàng trực tuyến đã trở thành “thiên đường” của hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp khả thi, rốt ráo nào để kiểm tra và xử phạt. Vấn nạn này không chỉ phổ biến tại thị trường Việt Nam mà là vấn nạn chung của nhiều nước, đặc biệt ở những thị trường có tốc độ phát triển ngành thương mại điện tử mạnh mẽ như: Trung Quốc, Hàn Quốc… Nhiều sàn giao dịch điện tử về hàng hóa lớn, chẳng hạn như Alibaba của Trung Quốc, còn bị nhiều nước đưa vào “danh sách đen” kiểm soát đặc biệt về hàng giả, hàng nhái.

Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện các chế tài, quy định và hành lang pháp lý về mua bán hàng hóa trực tuyến nhằm dần dần đưa mọi thứ vào khuôn khổ. Tuy nhiên, rõ ràng cơ quan chức năng chỉ là một phía trong quan hệ mua bán hiện đại này, thực sự người tiêu dùng mới là nhân tố đắc lực trong cuộc chiến chống hàng giả online.

Nói người mua không “ngoài cuộc” trong cuộc chiến chống hàng giả online là bởi nếu người mua kỹ càng, “khó tính” hơn trong quan hệ mua bán bằng cách chọn đúng nhà cung cấp uy tín, đòi hỏi hóa đơn bán hàng, mã vạch, nhãn mác… cùng các yếu tố liên quan thì sẽ hạn chế được khá nhiều hàng hóa kém chất lượng. Thêm vào đó, người tiêu dùng cần hợp tác chặt chẽ, cảnh báo cho cơ quan chức năng khi có thông tin về hàng giả, hàng nhái online thì mới có thể góp phần làm minh bạch và lành mạnh thị trường này.            

Vi Lâm

Tin xem nhiều