Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao cảnh giác...

09:12, 26/12/2019

Mặc dù trên các phương tiện truyền thông đại chúng có rất nhiều thông tin, cảnh báo về những vụ lừa đảo trên internet nhưng tình trạng này vẫn liên tục diễn ra với những chiêu thức ngày càng tinh vi hơn. Đa phần các vụ lừa đảo qua internet thành công vì sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, lòng tham của người dùng.

Mặc dù trên các phương tiện truyền thông đại chúng có rất nhiều thông tin, cảnh báo về những vụ lừa đảo trên internet nhưng tình trạng này vẫn liên tục diễn ra với những chiêu thức ngày càng tinh vi hơn. Đa phần các vụ lừa đảo qua internet thành công vì sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, lòng tham của người dùng.

Tin nhắn lừa đảo

Rất nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc qua điện thoại đều rất tinh vi và chưa tìm ra thủ phạm để xử lý. Một số nạn nhân trong các vụ lừa đảo chuyển tiền qua mạng xã hội này cho biết, khi vụ việc xảy ra, họ phải mất thời gian đến ngân hàng và công an để trình báo sự việc. Thậm chí có không ít nạn nhân còn lúng túng không biết đến đâu để tố cáo khi bị lừa đảo qua mạng xã hội. Trong khi đó chỉ mất vài phút, thậm chí là vài giây kẻ gian có thể “tẩu tán” tiền qua tài khoản ngân hàng quốc tế bằng hình thức chuyển tiền trực tuyến.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo đối với các vụ lừa đảo của tội phạm công nghệ cao. Cụ thể, có đường dây nóng để người dân báo tin; có hình thức ngăn chặn hành vi chuyển tiền ra khỏi tài khoản ngay khi nhận thông tin tố giác tội phạm...

Hiện nay, số người sử dụng internet ở Việt Nam khá phổ biến. Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin - truyền thông vào năm 2018, tỷ lệ người sử dụng internet chiếm hơn 60% dân số. Một trong những vấn đề đáng quan tâm là nhiều người còn dễ dãi khi sử dụng internet, tham gia mạng xã hội như: sẵn sàng chia sẻ, công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội; truy cập vào những trang web độc hại... Từ đó, các đối tượng xấu có cơ hội đánh cắp thông tin cá nhân, lợi dụng những thông tin này để làm “chìa khóa” chiếm dụng tài khoản ngân hàng; gọi điện thoại hù dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc dùng hình ảnh, thông tin của người dùng lập một tài khoản giả mạo để lừa đảo...

Để tránh mắc “bẫy” của tội phạm công nghệ cao, người sử dụng internet cần trang bị cho mình những kỹ năng khi tham gia mạng xã hội: tuyệt đối không tiết lộ các thông tin cá nhân; không vội tin và sẵn sàng chuyển tiền cho những đối tượng chỉ quen biết qua mạng; trực tiếp gọi điện thoại xác minh khi có người thân, người quen nhắn tin trên mạng xã hội nhờ chuyển tiền; không dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân khi tham gia các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng...

Mặc dù tội phạm công nghệ cao sử dụng các chiêu thức cũ để lừa đảo nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mới “sập bẫy”. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền các thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao; đồng thời tuyên truyền cho người sử dụng internet biết cách tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ tài sản của mình trên môi trường internet vốn có vô vàn thông tin hữu ích nhưng cũng đầy rẫy những thông tin xấu, độc hại, tiềm ẩn không ít rủi ro, dễ bị mắc lừa nếu không nâng cao cảnh giác.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều