Sau 5 năm kể từ "mốc son" đầu tiên trong hành trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai - sự kiện TX.Long Khánh (nay là TP.Long Khánh) và huyện Xuân Lộc trở thành 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới - năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1423/QĐ-TTg công nhận tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Sau 5 năm kể từ "mốc son" đầu tiên trong hành trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai - sự kiện TX.Long Khánh (nay là TP.Long Khánh) và huyện Xuân Lộc trở thành 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới - năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1423/QĐ-TTg công nhận tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Cùng với Nam Định, tính đến thời điểm này, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh và là địa phương duy nhất của phía Nam được công nhận danh hiệu này.
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo nhiều địa phương trong cả nước khi đến Đồng Nai tham quan, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình xây dựng nông thôn mới đều tỏ ra khá ngạc nhiên khi một trong những tỉnh được xem là “đầu tàu” về công nghiệp của cả nước lại tiếp tục vượt xa và dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Song thực ra từ trước khi cả nước bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã sớm xác định, phải đầu tư cho nông dân - nông nghiệp - nông thôn bởi nông dân vẫn là lực lượng đông đảo trong nhân dân và là đối tượng cần được hỗ trợ nhiều nhất trong quá trình phát triển. Nông dân - nông nghiệp - nông thôn có vững mạnh thì mới có sự phát triển cân bằng, nhân văn cho tỉnh Đồng Nai.
Do đó từ hơn 10 năm trước, lãnh đạo tỉnh đã đề ra chủ trương chủ động xây dựng nông thôn “4 có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Đây là những nền tảng thuận lợi ban đầu khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm, hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được đầu tư vào nông thôn mới Đồng Nai, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn với hạ tầng thông thoáng, hiện đại, sạch sẽ và nhất là đời sống nông dân thay đổi hẳn. Xét về tiêu chí thu nhập, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt gần 51,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011 và ước năm 2019, mức thu nhập này sẽ đạt trên 56,6 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh Đồng Nai đã xác định, tất cả những nỗ lực 10 năm qua trong xây dựng nông thôn mới chỉ tập trung vào đối tượng duy nhất: nông dân. Nông dân có giàu thì nông thôn mới khởi sắc, nông dân thay đổi tư duy sản xuất thì ngành nông nghiệp mới mạnh. Trong hành trình đó, sau nông thôn mới là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và sự phát triển này sẽ “không có điểm dừng”, nhất là trong thời hội nhập như hiện nay, khi nông sản Việt đang phải cạnh tranh với nông sản trên mọi miền thế giới.
Vi Lâm