Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần 'bàn tay thép' trong xử lý giết mổ lậu

09:12, 11/12/2019

Giết mổ lậu không phải là vấn nạn mới ở Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước. Giết mổ lậu hàm chứa nhiều rủi ro về an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường nên không địa phương nào khuyến khích.

Giết mổ lậu không phải là vấn nạn mới ở Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước. Giết mổ lậu hàm chứa nhiều rủi ro về an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường nên không địa phương nào khuyến khích. Với một địa bàn như Đồng Nai, muốn phát triển chăn nuôi sạch theo chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn” thì việc dẹp bỏ nạn giết mổ lậu trở nên rất quan trọng. Đi cùng với đó là hỗ trợ, khuyến khích đầu tư giết mổ sạch.

Thực tế từ 10 năm nay, tỉnh đã khuyến khích đầu tư giết mổ sạch bằng rất nhiều cách, trong đó có tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư lò giết mổ đạt chuẩn từ dự án Lifsap với sự hỗ trợ rất mạnh mẽ về vốn, quy trình kỹ thuật và nhiều yếu tố khác. Khá nhiều lò giết mổ sạch đáp ứng đúng tiêu chuẩn đã hình thành, song khi đi vào hoạt động lại không cạnh tranh về giá nổi với những lò giết mổ chỉ cần “tay dao, tay thớt”. Chưa kể, khi bị phát hiện, mức xử phạt với các lò giết mổ lậu cũng không đủ sức răn đe, thậm chí chủ lò sẵn sàng bỏ luôn chỗ này, sang chỗ khác mở lại lò khác bởi chi phí không bao nhiêu.

Có thể làm một so sánh nho nhỏ để thấy sự chênh lệch trong đầu tư lò giết mổ chuẩn và không chuẩn là một khoảng cách quá xa. Để “đầu tư” một lò giết mổ lậu quy mô vài chục con heo mỗi ngày khá đơn giản, chỉ cần vài yếu tố: mặt bằng vài chục mét vuông, xô chậu, vòi nước, dao thớt… Các lò mổ này không cần giấy phép, không cần cam kết gì về bảo vệ môi trường, không xe đông lạnh, không đóng thuế, không bảo hiểm, không hệ thống kiểm soát nguồn gốc heo thịt, không cần kiểm tra nhanh về dịch bệnh…

Trong khi đó, để có được một lò giết mổ sạch đúng chuẩn, nhà đầu tư lại phải bỏ nhiều thời gian, công sức và chi phí. Lò giết mổ đó phải ở trong vùng quy hoạch, được cấp phép, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải đầu tư xe đông lạnh, dây chuyền công nghệ, bị giám sát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra với số vốn có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Với chi phí đó, giá để giết mổ không thể thấp hơn giá tại các lò giết mổ lậu. Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều lò mổ đạt chuẩn ngậm ngùi “ôm nợ”. Sau một thời gian hoạt động, không ít lò giết mổ đạt chuẩn đã mấp mé bờ vực phá sản vì không thể cạnh tranh. Nhiều người hẳn còn chưa quên câu chuyện thương hiệu Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) từng đầu tư dây chuyền giết mổ heo và gà theo chuẩn châu Âu với số vốn hàng triệu USD, nhưng sau một thời gian hoạt động chỉ đạt 20-30% công suất, đã phải sang nhượng lại dây chuyền cho đối tác.

Như vậy, quan trọng hơn cả việc ủng hộ hay khuyến khích lò giết mổ đạt chuẩn là phải kiên quyết làm đến cùng việc dẹp bỏ các lò giết mổ lậu. Cần một “bàn tay thép” cứng rắn thực sự khi xử lý những lò giết mổ không phép, không đạt bất cứ một tiêu chuẩn nào nhưng lại đang tồn tại nhan nhản hiện nay.           

Vi Lâm

Tin xem nhiều