Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phần phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (diễn ra tại Hà Nội ngày 28-12 vừa qua) đã nhấn mạnh ý trên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phần phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (diễn ra tại Hà Nội ngày 28-12 vừa qua) đã nhấn mạnh ý trên. Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, năm 2018 là một năm kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong vòng 1 thập niên qua, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt ngoài dự đoán. Việt Nam thậm chí có đến 2 năm “vàng son” liên tiếp trong kỷ lục về xuất khẩu và từ một nước hàng chục năm liền nhập siêu, nay đã chuyển sang xuất siêu với mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, điều đặc biệt hơn là không những Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, mà chất lượng tăng trưởng còn có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so mức 17,18% của các năm trước. Rõ ràng, nước ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.
Bước vào năm 2019 với nhiều niềm tin và hy vọng mới, Chính phủ đã đề ra chương trình toàn diện phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả và bứt phá. Không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh nhưng bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc 3 trụ cột bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong một bức tranh có nhiều gam màu sáng đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn của Đảng và Nhà nước là giữa sự tiến triển nhanh, mạnh của cả nước từ nay về sau, không một người dân nào “ngoài cuộc”, cũng không có một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng chia sẻ, mọi người cần thấy được vị trí của mình trong tăng trưởng, người dân từ miền núi, nông thôn, thành thị đến hải đảo và biên giới đều thấy được mình cần làm gì, làm thế nào để đóng góp cho tiến trình phát triển của đất nước và dân tộc, đồng thời có cơ hội hưởng thụ thành quả từ đó. Có như thế, tăng trưởng mới thực sự là một quá trình nhân văn và bền vững.
Vi Lâm