Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi "chiếc áo" đã quá chật

11:12, 10/12/2018

Khi quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa tại một số địa phương tăng quá nhanh, chẳng hạn như: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất... thì một chính quyền cùng với các cơ quan hành chính liên quan quản lý theo kiểu nông thôn sẽ không còn phù hợp nữa.

Khi quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa tại một số địa phương tăng quá nhanh, chẳng hạn như: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất... thì một chính quyền cùng với các cơ quan hành chính liên quan quản lý theo kiểu nông thôn sẽ không còn phù hợp nữa. Thực tiễn phát triển đòi hỏi mức độ cao hơn về điều hành, quản lý, đầu tư cho nhiều lĩnh vực, từ hạ tầng đến giáo dục, y tế mà chỉ một chính quyền đô thị phù hợp mới có thể cáng đáng nổi. Đó là lý do mà trong mấy năm qua, nhiều địa phương tại Đồng Nai liên tục trình đề án xin nâng cấp xã lên phường, thành lập thị trấn, thị xã, nâng cấp thị xã lên thành phố.

Thực tế, một số địa phương của Đồng Nai đã đủ điều kiện thành lập thị trấn từ nhiều năm trước, chẳng hạn như xã Hiệp Phước của huyện Nhơn Trạch, song vướng mắc một vài thủ tục nên hiện tại mới được thông qua. Các đề án thành lập, nâng cấp lên thị trấn, thị xã, thành phố của Đồng Nai trong thời gian từ nay đến năm 2020 được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Rất nhiều người dân tại 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh cho biết, họ rất chờ mong điều này bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ theo chiều hướng tốt.

Hợp lòng dân, nên các đề án nâng cấp đô thị của Đồng Nai nhanh chóng được thông qua tại các kỳ họp HĐND các cấp, chỉ còn chờ sự công nhận chính thức từ Trung ương. Mặc dù vậy, đi kèm với sự hào hứng này là những áp lực không nhỏ về nguồn vốn đầu tư hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và phải “chia năm xẻ bảy” nhiều nơi. Chính quyền địa phương cũng bị đặt dưới áp lực phải xoay xở nhiều cách để huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách nhằm đủ lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội khi đã khoác “tấm áo” mới. Và một áp lực không nhỏ nữa là khi đã chính thức được nâng cấp thành chính quyền đô thị, thì dứt khoát tư duy quản lý, điều hành theo kiểu nông thôn sẽ phải thay đổi theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, người dân sẽ khó chấp nhận và doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư nếu tư duy quản lý điều hành của đô thị mới vẫn mang hơi hướng nông thôn, rề rà, chậm chạp.

Tóm lại, khoác “tấm áo” mới cho đô thị đòi hỏi sự chuyển mình lớn lao về mọi mặt của một địa phương, từ bộ mặt hạ tầng đến tư duy quản lý và mặc dù khó khăn, song điều này là cần thiết để Đồng Nai có được sự phát triển đồng bộ và bền vững trong tương lai nhiều năm tới.

 Kim Ngân

Tin xem nhiều