Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sự điều chỉnh

09:08, 06/08/2017

Lao động giá rẻ từ lâu không còn là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, thị trường lao động, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam có khá nhiều thách thức.

Lao động giá rẻ từ lâu không còn là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, thị trường lao động, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam có khá nhiều thách thức.

Thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt chính là năng suất lao động không cao. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam trong khối ASEAN hiện đã thua Lào, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.

Đáng chú ý, Việt Nam vẫn là quốc gia đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Tuy nhiên, việc tận dụng vị thế dân số vàng để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Theo các chuyên gia, chỉ cần bước qua giai đoạn dân số vàng, rất khó để “vực” dậy chất lượng nhân lực, và điều này ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Tại Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về nguồn lao động giữa các vùng, miền trong cả nước. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, người lao động mà đặc biệt là lao động phổ thông ồ ạt tiến vào các tỉnh phía Nam để tìm kiếm việc làm thì nay mọi chuyện đã khác. Khu công nghiệp mọc lên khắp nơi và lao động các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã chọn các công ty, doanh nghiệp gần nhà hơn là vào miền Nam để làm việc, vừa xa nhà, vừa phải thuê nhà trọ với bao nhiêu chi phí phát sinh. Vì thế, việc tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp gặp khó khăn là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, người lao động đang có nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho công việc của mình, dù đơn thuần chỉ là lao động phổ thông, chưa đòi hỏi lao động có trình độ, tay nghề cao. Doanh nghiệp từ chỗ dễ dàng tuyển lao động số lượng lớn, nay trầy trật trong tuyển dụng dù đã có thêm nhiều  chính sách đãi ngộ dành cho người lao động. Tuy nhiên về lâu dài, đây không còn là tín hiệu vui khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ trong sản xuất và người lao động cứ giậm chân tại chỗ.

Theo dự báo, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, công nhân lao động là một trong những đối tượng  dễ bị mất việc làm nhất bởi robot sẽ thay thế sức người trong dây chuyền sàn xuất. Khi đó, không chỉ lao động phổ thông mà ngay cả lao động có trình độ tay nghề cao cũng khó có khả năng trụ vững.

Vì vậy, nếu người lao động không có ý thức nâng cao tay nghề, trình độ thì việc tìm kiếm được một việc làm phù hợp là khá khó khăn. Ngay thời điểm này, khi yêu cầu của nhà tuyển dụng chưa mấy khắt khe thì nhiều lao động dù tốt nghiệp đại học vẫn không thể đáp ứng yêu cầu chỉ vì thiếu các kỹ năng cần thiết, trong đó có cả kỹ năng giao tiếp, ứng xử. 

Thị trường lao động tại Đồng Nai mấy tháng nay đìu hiu nằm trong tình trạng chung của cả nước, nhưng cũng là điều kiện để những nhà tuyển dụng cùng những đơn vị có liên quan đánh giá lại thực trạng nguồn nhân lực, từ đó có sự điều chỉnh trong đào tạo, bố trí việc làm. Đã đến lúc không thể mãi trông chờ nguồn lao động ngoại tỉnh mà phải tính đến cơ cấu, chất lượng nguồn lao động tại chỗ nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp đến đầu tư, tránh tình trạng doanh nghiệp đi vào hoạt động mà không tuyển đủ lao động.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều