Báo Đồng Nai điện tử
En

Cái bắt tay nửa thế kỷ

10:08, 07/08/2017

Đã tròn 50 năm từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập. Tiền thân của ASEAN là tổ chức có tên Hiệp hội Đông Nam Á, gọi tắt là ASA. ASA là một liên minh thành lập năm 1961 gồm 3 nước: Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Đã tròn 50 năm từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập. Tiền thân của ASEAN là tổ chức có tên Hiệp hội Đông Nam Á, gọi tắt là ASA. ASA là một liên minh thành lập năm 1961 gồm 3 nước: Philippines, Malaysia và Thái Lan. Ngày 8-8-1967, khi các bộ trưởng ngoại giao của 5 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) gặp gỡ tại Bangkok đã ra Tuyên bố ASEAN, thường được gọi là Tuyên bố Bangkok để nhập ASA cùng với Indonesia và Singapore thành ASEAN.

Sau đó, tháng 7-1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN và cho đến ngày nay với sự tham gia của 10 quốc gia trong khu vực, khối ASEAN ngày càng khẳng định vị trí quan trọng về nhiều mặt, tính trên tương quan vị trí với các khu vực, các châu lục và các quốc gia lớn trên thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá ASEAN hiện nay đã là tổ chức khu vực thành công thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU). Nếu coi toàn bộ khối là một nền kinh tế thì ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới hiện nay và được dự đoán sẽ vươn lên xếp thứ 4 thế giới vào năm 2050.

Đỉnh cao của ASEAN, dĩ nhiên là sự thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với 3 trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - xã hội (ASCC), đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực.

Dưới sự thống nhất cao, ASEAN với tư cách là một khối kinh tế bền vững đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại lớn với các khu vực và quốc gia trên thế giới, chẳng hạn: Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), AJFTA, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Khu vực thương mại tự do giữa các nước ASEAN, Australia và New Zealand (AANZFTA)… Điều này cho thấy những cái bắt tay cách đây nửa thế kỷ của 5 ngoại trưởng sáng lập đã tiến một bước dài đến thế nào trong việc thay đổi sâu sắc về đời sống kinh tế và nhiều mặt khác của các quốc gia thành viên.

Nhìn tổng quát, những bước tiến của ASEAN là không thể phủ nhận. Chẳng hạn, tổng GDP của ASEAN đã tăng từ 95 tỷ USD vào năm 1970, lên 2.500 tỷ USD trong năm 2015. ASEAN sẽ tiếp tục là một khối thống nhất dựa trên nguyên tắc đồng thuận, đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp mà thế giới đặt ra. Càng đoàn kết càng có lợi cho bản thân mỗi quốc gia khi phải đối đầu với sức ép cạnh tranh từ các quốc gia và khu vực khác trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh…

Giai đoạn sắp tới được cho là giai đoạn nhiều thử thách lẫn cơ hội cho toàn khối, lẫn cho bản thân từng quốc gia. Tuy nhiên, khái niệm đoàn kết vừa là một yêu cầu, vừa là một nhu cầu trong toàn khối. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu về Đông Nam Á cho rằng ASEAN sẽ tiếp tục có thêm nhiều thành tựu và bước tiến trong thời kỳ tiếp theo, sau nửa thế kỷ chuyển mình.

Kim Ngân

Tin xem nhiều