2017 là năm thứ 15 kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ vào đầu tháng 6 vừa qua. Với vai trò là đối tác thương mại lớn, thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, dù cho quốc gia này vừa qua đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
2017 là năm thứ 15 kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ vào đầu tháng 6 vừa qua. Với vai trò là đối tác thương mại lớn, thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, dù cho quốc gia này vừa qua đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
BTA được 2 nước ký vào năm 2001 được coi là cột mốc quan trọng trong việc phát triển giao thương giữa 2 nước. Báo cáo của Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết từ năm 2002 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ở mức cao.
Theo đó, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 220 triệu USD vào năm 1994 (năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD vào năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt trên 47 tỷ USD vào cuối năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 38,4 tỷ USD, tăng xấp xỉ 15% so với năm 2015; nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,7%.
Trái với nhiều dự đoán cho rằng Việt Nam sẽ bị giảm kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ khi quốc gia này rút khỏi TPP, 5 tháng đầu năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu đi thị trường này nhiều sản phẩm chủ lực, như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, cà phê, hạt điều, tiêu, máy tính, linh kiện điện tử… Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Hoa Kỳ đạt gần 2,8 tỷ USD.
Mặc dù vậy, thị trường xuất khẩu rộng lớn này cũng đầy thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là sự đòi hỏi về chất lượng hàng hóa của Việt Nam. Hoa Kỳ đã và đang dựng lên những hàng rào kỹ thuật khắt khe nhằm bảo hộ hàng hóa trong nước, từ các mặt hàng thủy sản, gạo… cho tới thép, tôn lạnh của Việt Nam đều đã gặp khó khăn khi xuất vào Hoa Kỳ.
Năm 2016, một số lô gạo Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã bị trả về do có nhiều lô hàng nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này. Thủy sản cũng từng bị trả nhiều lô hàng do thừa chất kháng sinh, thép và một số mặt hàng khác bị kiện chống phá giá… là những câu chuyện khá phổ biến khi doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng sang Mỹ. Với chính sách bảo hộ ngày càng siết chặt của Chính phủ mới, dự kiến sẽ còn nhiều thách thức cho hàng hóa Việt Nam khi muốn vào thị trường này.
Thực tế, việc đòi hỏi những phẩm chất tốt, đòi hỏi các yếu tố “mềm” của hàng hóa, như: sử dụng lao động, bảo vệ môi trường… cũng là những yếu tố thường gặp ở những thị trường khó tính, như: châu Âu, Nhật Bản chứ không riêng gì Hoa Kỳ. Dù vậy, những điều khó đạt được luôn có “cái giá” xứng đáng, làm ăn với những nền kinh tế lớn tuy phải chấp nhận những điều kiện khắt khe, song lợi nhuận khá hơn và uy tín bền vững hơn.
Nhìn ở một góc khác, đòi hỏi của đối tác chính là động lực để sản xuất trong nước hoàn thiện hơn và nâng tầm nhằm chuyển những thách thức thành cơ hội trong một cuộc chơi cạnh tranh mang tính toàn cầu.
Vi Lâm