Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý tin đồn thất thiệt

10:12, 07/12/2016

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức lên tiếng về tin đồn đổi tiền và khẳng định đây là thông tin bịa đặt, không có căn cứ. Thế nhưng, câu chuyện này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là xử lý khủng hoảng truyền thông khi xuất hiện tin đồn thất thiệt.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức lên tiếng về tin đồn đổi tiền và khẳng định đây là thông tin bịa đặt, không có căn cứ. Thế nhưng, câu chuyện này cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là xử lý khủng hoảng truyền thông khi xuất hiện tin đồn thất thiệt.

Tin đồn thất thiệt là điều không còn xa lạ đối với xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin hiện nay. Chỉ cần kẻ xấu tung ra một tin đồn vô căn cứ rồi phát tán lên mạng, ngay lập tức thông tin này sẽ được “thêm mắm, dặm muối” để tin đồn càng trở nên “hot” hơn và kích thích đối tượng tiếp nhận cao hơn. Có lẽ vì vậy mà từng có những câu chuyện “cười ra nước mắt” khi vụ việc ban đầu chỉ là một con chó chết, cuối cùng biến thành… một vụ án mạng rùng rợn.

 Đa phần tin đồn khi đã truyền ra đều mỗi ngày mỗi sai lệch và mất kiểm soát về thông tin. Và, vụ việc xuất hiện tin đồn đổi tiền ở Việt Nam vừa qua cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Có lẽ vì vậy mà khi tin đồn đổi tiền xuất hiện dồn dập với tần suất lớn trên mạng xã hội và trong dư luận thì thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường mua bán đô la ngoài xã hội đã thay đổi chóng mặt. Ở nhiều khu dự án đất và nhà ở, rất nhiều người đến để hỏi mua. Giá đô la chiều ngày 27-11 có lúc tăng lên 22.900 đồng/USD.

 Chiều 27-11, Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Chí Thành đã lên tiếng bác bỏ tin đồn thất thiệt này. Cục trưởng Nguyễn Chí Thành cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và tiếp tục “yên tâm sử dụng đồng tiền hiện hành”, đồng thời ông cũng cam kết “sẽ không có bất kỳ một sự thay đổi nào đồng tiền đang lưu hành”. Ngay ngày hôm sau, 28-11, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo báo chí khẳng định bác bỏ tin đồn thất thiệt này và cùng với đó cũng bác bỏ luôn một tin đồn về chủ trương phát hành tiền mệnh giá thấp nhưng có giá trị cao.

Dù muốn dù không thì chắc chắn trong xã hội sẽ luôn xuất hiện các tin đồn thất thiệt kiểu như trên. Ai dám khẳng định không có một chiến dịch đầu cơ trong vụ việc tung tin đồn thất thiệt về đổi tiền nêu trên? Một số người Việt Nam có tâm lý “ngược”, đó là cứ thấy tăng giá sẽ ùn ùn đi mua. Đất để hàng mấy năm cho cỏ mọc thì không sao, nhưng chỉ cần nhích dần lên một chút là lại ùn ùn kéo nhau đi mua và người bán nói sao, người mua chấp nhận vậy. Mỗi khi giá vàng lên cao thì y như rằng trước các cửa tiệm vàng dòng người rồng rắn nối đuôi nhau như thể không mua, người khác sẽ mua mất. Có lẽ vì lợi dụng được sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người nên loại tin đồn thất thiệt vẫn “sống phẻ”.

Thế nhưng cũng không thể trách người dân, bởi nhiều người chưa có điều kiện phân tích, dự báo và tiếp cận thông tin. Vấn đề giải quyết khủng hoảng truyền thông liên quan đến tin đồn thất thiệt, trách nhiệm chính vẫn là của các cơ quan Nhà nước. Còn nhớ tháng 10-2003, tin đồn ông tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần bỏ trốn đã làm chao đảo ngân hàng này cũng như cả hệ thống ngân hàng trong suốt vài ngày sau đó. Rất may, Ngân hàng Nhà nước khi ấy đã ngay lập tức vào cuộc và tình hình đã ổn định trở lại. Ngân hàng này đã “treo” giải thưởng cao cho ai cung cấp nguồn tin cho cơ quan chức năng tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt, nhưng cuối cùng kẻ tung tin đồn này vẫn trong bóng tối.

Như vậy, có thể nhận thấy từ việc kêu gọi người dân đừng tin vào các tin đồn này đến việc tìm kẻ tung tin đồn thất thiệt là “bất khả thi”. Vấn đề quan trọng nhất để dập tắt các tin đồn kiểu này chỉ là minh bạch thông tin như Ngân hàng Nhà nước đã làm trong vụ việc này.     

KIÊN TRUNG

Tin xem nhiều