Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh vừa ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2017. Chỉ thị chỉ rõ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương; nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh vừa ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2017. Chỉ thị chỉ rõ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương; nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Đặc biệt, Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.
Đây là một quy định mang tính nhân văn và ngay lập tức đã nhận được đa số ý kiến đồng tình trên các diễn đàn, trên các phương tiện truyền thông. Ngay lập tức, các địa phương có những ngày lễ, kỷ niệm lớn và có dự định bắn pháo hoa, như: Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội đều tuyên bố thực hiện ngay chỉ thị này bằng cách dừng bắn pháo hoa.
Kể từ khi Nhà nước ban hành quy định cấm đốt pháo, mỗi dịp năm mới, mọi người đều có nhu cầu xem bắn pháo hoa, đó là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Đêm giao thừa, nhìn những cột pháo hoa đầy màu sắc trên trời cao làm cho lòng người vui theo và cùng ngây ngất trước thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Có lẽ vì vậy mà khi quy định này được ban hành, cũng có những ý kiến còn băn khoăn, có phần tiếc nuối. Đó hoàn toàn là những cảm xúc rất thật, thế nhưng gần như đa số đều ủng hộ chủ trương này.
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” - truyền thống và đạo nghĩa ngàn đời của dân tộc Việt Nam đã nhắc nhở chúng ta về điều ấy. Nhiều người có thể không xem bắn pháo hoa nhưng vẫn có những cách khác nhau để đón năm mới đầy ý nghĩa. Thật ra, rất nhiều địa phương vẫn có thể không dùng tiền ngân sách mà kêu gọi xã hội hóa để lấy kinh phí bắn pháo hoa. Thế nhưng tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã nhắc nhở con tim, khối óc của mọi người rằng không xem pháo hoa, ta vẫn có một cái tết đầm ấm, yên vui. Thế nhưng, với những đồng bào đã và đang oằn mình trước thiên tai, bão lũ dồn dập, mất nhà, mất cửa, mất tài sản, mất người thân… liệu ta có an lòng? Để chia sẻ với đồng bào kém may mắn, nhiều người trong chúng ta đã thực hiện những đóng góp ủng hộ có ý nghĩa trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, ta không thể nói mình đã làm tròn trách nhiệm bởi chia sẻ về vật chất là vô cùng cần thiết và quan trọng, nhưng chia sẻ về tinh thần càng quan trọng hơn. Khi tất cả chúng ta vui vẻ đón giao thừa bên gia đình trong không khí đầm ấm yên vui thì nơi biển đảo, nơi những vùng biên giới xa xôi, biết bao người lính đã và đang phải xa gia đình để bảo vệ bình yên cho chúng ta đón một mùa xuân đầm ấm, yên vui. Trách nhiệm của mỗi người công dân có trách nhiệm là hãy cùng nhau làm những việc có ý nghĩa để ngày tết càng thêm ý nghĩa.
Tết là ngày của sum họp gia đình, ngày của sẻ chia giữa con người với con người.
Ngọc Anh