Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải "siết"!

11:12, 12/12/2016

Không phải đến nay thông qua Nghị định 46/2016-CP cơ quan chức năng mới "siết" lại vấn đề xe "chính chủ", mà trước đây năm 2013 từng có Nghị định 171/2013-CP quy định về phạt lỗi "không sang tên đổi chủ phương tiện", nhưng đã không thành công.

Không phải đến nay thông qua Nghị định 46/2016-CP cơ quan chức năng mới “siết” lại vấn đề xe “chính chủ”, mà trước đây năm 2013 từng có Nghị định 171/2013-CP quy định về phạt lỗi “không sang tên đổi chủ phương tiện”, nhưng đã không thành công.

Về mặt quản lý trật tự xã hội, việc “siết” lại xe chính chủ là rất cần thiết. Lấy ví dụ, khi một chiếc xe máy hay ô tô gây tai nạn rồi bỏ chạy, cơ quan chức năng từ biển số xe có thể “truy” ra người gây tai nạn. Nhưng nếu như chiếc xe đã bán “sang tay” qua nhiều người mà không xác định được chủ sở hữu cuối cùng, có khả năng sẽ không thể xử lý được người gây tai nạn.

Quy định xe “chính chủ” còn góp phần ổn định xã hội ở nhiều mặt khác, như: xác định tài sản thực của cán bộ, công chức, đảng viên (trong trường hợp phương tiện có giá trị cao); ngành thuế tăng được nguồn thu từ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp khi sang nhượng, mua bán xe; tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, mua bán xe…

Thế nhưng, trong thực tế thời gian qua quy định về phạt lỗi “không sang tên đổi chủ phương tiện” trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” của các ngành chức năng, như: công an, thuế bởi dư luận không đồng tình, thậm chí phản ứng. Người phải thực hiện quy định này có quá nhiều lý do để phản đối, mà một trong những nguyên nhân là thủ tục sang tên “chính chủ” còn nhiều phiền hà, rắc rối. Trong trường hợp “êm xuôi” nhất là người sử dụng phương tiện có đầy đủ giấy tờ vẫn phải qua rất nhiều “cửa”, như: đến cơ quan đăng ký lấy giấy khai, về công an địa phương nơi thường trú xác nhận đang sử dụng xe, đến cơ quan quản lý hồ sơ xe để làm thủ tục xác nhận vào giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe, đến cơ quan thuế đóng thuế trước bạ (khâu này phải đến 2 cơ quan là thuế và kho bạc hoặc ngân hàng), sau đó quay về cơ quan đăng ký làm thủ tục. Rồi còn có vô vàn khó khăn khác khi xe “lỡ” mua từ các tỉnh, thành xa xôi, chi phí làm thủ tục để sang tên có khi cao hơn giá trị chiếc xe… Và trên hết, tập quán, thói quen mua xe rồi “đi lụi” không làm thủ tục sang tên bởi ngại thủ tục, “tiết kiệm” chi phí đã ăn quá sâu trong người dân, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Nhưng có khó đến mấy cũng phải đến lúc thay đổi. Bởi, một Nhà nước pháp quyền muốn thật sự trật tự, kỷ cương cần phải có sự phục tùng pháp luật. Một xã hội muốn vận hành tốt không thể duy trì những thói quen vi phạm pháp luật không tốt trong người dân, không thể làm theo “luật rừng”.

Vấn đề là, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ người dân tối đa trong việc chuyển đổi nhận thức, hành vi “đi xe chính chủ”. Chẳng hạn, với những phương tiện đăng ký biển kiểm soát ở các tỉnh, thành xa, ngành công an có thể hỗ trợ bằng cách gửi văn bản xác minh, chuyển hồ sơ; với những phương tiện không còn cách nào xác định chủ sở hữu ban đầu, có thể cho người sử dụng phương tiện ký cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khi tiến hành phạt xe không “chính chủ” cũng cần phải nghiên cứu vấn đề bạn bè, người thân mượn xe của nhau, vì đây là một tập quán có trong thực tế xã hội, nếu máy móc phạt sẽ khó làm người dân “tâm phục khẩu phục”.

Quy định xe “chính chủ” cần được người dân hiểu, ủng hộ để lập lại trật tự, ổn định xã hội. Vì vậy, không phải chỉ “chăm chăm” xử phạt mà các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, vận động trong dân nhiều hơn nữa để việc thực hiện trở thành tự nguyện.

Hà Lam

 

Tin xem nhiều