Theo số liệu thống kê mới nhất, dân số Việt Nam đã chạm mốc 93 triệu người, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á. Việt Nam cũng là quốc gia có mật độ dân số cao gấp 5,2 lần mật độ dân số thế giới, gấp 2 lần mật độ dân số khu vực châu Á - Thái Bình Dương và gấp 3 lần các nước Đông Nam Á. Xét về mặt số dân, Việt Nam là một "cường quốc".
Theo số liệu thống kê mới nhất, dân số Việt Nam đã chạm mốc 93 triệu người, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á. Việt Nam cũng là quốc gia có mật độ dân số cao gấp 5,2 lần mật độ dân số thế giới, gấp 2 lần mật độ dân số khu vực châu Á - Thái Bình Dương và gấp 3 lần các nước Đông Nam Á. Xét về mặt số dân, Việt Nam là một “cường quốc”.
Thế nhưng, dân số đông chưa đi kèm với chất lượng dân số cao. Việt Nam vẫn chỉ được biết đến là quốc gia đông dân, có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Và điều này chỉ thu hút được những nhà đầu tư có nguồn vốn thấp, công nghệ hạn chế. Thực tế, không ít những dự án đầu tư lớn vào Việt Nam đã không tuyển được nguồn nhân lực có chất lượng dù chính sách đãi ngộ cao, cơ hội phát triển rộng mở.
Trong khi đó, có một nghịch lý đã và đang diễn ra là tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Lao động thất nghiệp không chỉ có những người trình độ thấp, mà đáng buồn là trong số đó chiếm tỷ lệ không nhỏ là cử nhân, thạc sĩ. Điều gì đang diễn ra khi ngay cả lực lượng được xem là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng thất nghiệp?
Nhận định của các chuyên gia cho thấy sở dĩ lao động Việt Nam thất nghiệp đông, kể cả khi có trình độ cử nhân, thạc sĩ là do đào tạo không đúng ngành nghề mà xã hội cần; và hơn thế nữa, quy trình đào tạo kém chất lượng từ “đầu vào” cho đến “đầu ra”. Người học luôn ở trong thế bị động và không có thói quen tự học, tự nghiên cứu, tự trang bị các kỹ năng dẫn đến khó thích nghi khi rời ghế nhà trường để đi làm ngay ở trong nước chứ chưa nói gì đến môi trường quốc tế.
Dân số đông còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho xã hội, nhất là đối với những quốc gia có nền kinh tế còn kém phát triển như Việt Nam. Đó là tình trạng quá tải về trường lớp, bệnh viện; các vấn nạn kẹt xe, ngập úng. Điều này còn dẫn đến tình trạng bị động của địa phương bởi nhu cầu lớn về vốn, cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh… Ngay tại TP.Biên Hòa, dân số đông nhưng chủ yếu do tăng cơ học đã khiến lãnh đạo thành phố rất vất vả để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp cho học sinh. Chưa biết đến khi nào tình trạng này mới được giải quyết dứt điểm, chỉ biết rằng cho đến nay, học sinh một số trường tiểu học của Biên Hòa vẫn phải học ca ba hoặc học tạm, học nhờ do thiếu trường, thiếu lớp.
Việt Nam đã rất thành công khi duy trì được mức sinh tự nhiên hợp lý và từ thông điệp “mỗi cặp vợ chồng nên có từ 1 đến 2 con” chuyển thành “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Tuy nhiên, dân số đông, tỷ lệ dân số già hóa ngày càng tăng khiến cho công tác dân số tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là làm sao nâng cao được chất lượng dân số để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước vẫn là một nhiệm vụ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì mỗi gia đình.
MINH NGỌC