Báo Đồng Nai điện tử
En

Một quy định lãng phí

10:12, 04/12/2016

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có thông báo kết luận kiểm tra Thông tư số 58 của Bộ Giao thông - vận tải, khẳng định "không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp".

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có thông báo kết luận kiểm tra Thông tư số 58 của Bộ Giao thông - vận tải, khẳng định “không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp". Thông tư 58 được ban hành ngày 20-10-2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, theo đó người dân phải chuyển đổi giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ mẫu giấy đang lưu hành nhiều năm qua sang mẫu mới dùng vật liệu PET. Những ai không đổi giấy phép lái xe PET trong thời hạn nhất định sẽ phải thi lại phần lý thuyết. Lệ phí thi phần lý thuyết là 135 ngàn đồng/giấy phép lái xe.

Cả nước hiện có 32 triệu xe gắn máy đã đăng ký và khoảng 1,25 triệu xe ô tô đang lưu hành. Kể từ khi Thông tư 58 ban hành, có 90% giấy phép lái xe ô tô đã  đổi. Như vậy, có thể thấy chỉ riêng thông tư này đã làm thiệt hại rất lớn cho người dân, cho xã hội về chi phí, về thời gian, công sức.

Câu chuyện Thông tư 58 không phải là cá biệt, bởi lâu nay đã từng xuất hiện rất nhiều văn bản khi ban hành đã có nhiều sai sót khác nhau, kiểu như: cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đi thi đại học; nữ có vòng ngực dưới 75cm và chiều cao dưới 1,45m không được lái xe máy; quy định nhà báo quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phải xin phép; cấm bán thịt sau 8 giờ giết mổ; in tên cha mẹ trên giấy chứng minh nhân dân, đánh vợ bị phạt tiền; phạt nông dân sử dụng phân bón giả; cấm bán bia cho phụ nữ cho con bú…

Việc ban hành văn bản, nhất là văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam, đã được quy định rất cụ thể theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây và Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định MTTQ, Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng văn bản, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. Luật cũng quy định ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản. Cuối năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217 về quy chế giám sát và phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có nội dung rất quan trọng là giám sát việc ban hành và thực thi các chính sách.

Câu hỏi đặt ra là vì sao đã có những quy định cơ bản đầy đủ như trên, nhưng vẫn không ngớt xuất hiện những văn bản kiểu như Thông tư 58.

Đây là vấn đề rất quan trọng đặt ra cho các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách hiện nay. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần đặc biệt chú trọng đến tư vấn, phản biện của các nhóm xã hội, các trí thức, nhà khoa học có chuyên môn, am hiểu sâu về lĩnh vực này. Muốn lắng nghe phản biện, các cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động “đặt hàng” để các nhà khoa học phản biện, góp ý kiến và trân trọng, lắng nghe các ý kiến này. Những vấn đề còn có sự tranh cãi cần phải được trao đổi chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, đặc biệt tránh áp đặt, quy chụp. Nhất thiết tất cả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách có tác động lớn đến người dân cần phải được công bố rộng rãi, công khai, minh bạch để các nhà khoa học, giới trí thức và người dân đóng góp, phản biện.

Và, điều đặc biệt quan trọng là phải quy trách nhiệm đền bù thiệt hại nếu các cá nhân, cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành các văn bản gây thiệt hại cho xã hội. Nếu làm được điều này sẽ nâng cao trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách, tránh tình trạng ban hành sai rồi bãi bỏ và làm lại.

Như Ái

Tin xem nhiều