Những ngày này, khi địa phương chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ và 55 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam, tôi lại càng nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân).
Những ngày này, khi địa phương chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ và 55 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam, tôi lại càng nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Chú Sáu Dân là người định hướng cho Đồng Nai gìn giữ rừng, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam, bảo tồn văn hóa dân tộc Chơro trong vùng chiến khu… để phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử và phát triển du lịch sinh thái, không chỉ thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân vùng chiến khu vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh. Sau khi nghỉ hưu, chú Sáu Dân nhiều lần cùng lãnh đạo tỉnh, nhân chứng lịch sử đi thực địa để xác định lại địa điểm đóng chân của các cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam, có những đoạn đường rừng quá hiểm trở, chú Sáu cùng đoàn khảo sát phải đu dây mà vượt suối; buổi trưa giữa rừng mọi người ngồi ăn củ chụp, cơm nắm mà miên man nhớ lại những ngày gian khổ ở chiến khu. Những kỷ niệm ấy thật khó thể quên.
Đã có một thời, những tên gọi “Chiến khu Đ”, “Trung ương Cục miền Nam” vang lên trong lòng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thật thiêng liêng. Trong vòng vây kìm kẹp, đau thương của kiếp đời nô lệ, người dân mất nước, trong những thời điểm phong trào cách mạng bị đàn áp, thoái trào, lòng người đã hướng về Chiến khu Đ, về Trung ương Cục miền Nam với bao niềm tin và hy vọng. Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam là điểm tựa để cách mạng miền Nam ngày càng phát triển, đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc. Để xứng với niềm tin đó, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng chiến khu đã vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, vượt qua đói ăn, thiếu mặc, bệnh tật không thuốc men, qua hàng trăm cuộc càn quét, vây ráp của quân thù để bảo vệ và trụ vững chiến khu. Là biểu tượng của cách mạng miền Nam, Chiến khu Đ sừng sững đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.
Trong thời điểm gian nan nhất của cách mạng miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1961-1962) đã ra đời và đóng chân tại Chiến khu Đ, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Sau này do tình hình phát triển của cách mạng, Trung ương Cục miền Nam chuyển về Tây Ninh, nhưng như nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Linh, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam: “Chiến khu Đ vẫn là căn cứ địa lớn của cách mạng miền Nam, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của miền Đông, là bàn đạp để lực lượng ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, đường giao thông chiến lược của địch. Chiến khu Đ, với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã lập được những chiến công vẻ vang, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân dân Việt Nam ta nói chung, Đảng bộ và quân dân miền Nam nói riêng”.
Đến nay, mong muốn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được Đồng Nai hiện thực hóa. Di tích Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam không chỉ trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống trong thế hệ trẻ mà công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn đi đôi với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái bền vững. Tên gọi “Chiến khu Đ”, “Trung ương Cục miền Nam” mãi là niềm tự hào của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”!
Thanh Thúy