Một xã hội phát triển là một xã hội có những con người, cộng đồng luôn học tập để vươn tới. Xã hội học tập là mô hình trong đó tất cả các tổ chức trong xã hội đều tham gia vào quá trình giáo dục, không riêng trường học.
Một xã hội phát triển là một xã hội có những con người, cộng đồng luôn học tập để vươn tới. Xã hội học tập là mô hình trong đó tất cả các tổ chức trong xã hội đều tham gia vào quá trình giáo dục, không riêng trường học. Học tập suốt đời là quá trình học tập diễn ra trong suốt cả cuộc đời, dựa trên bốn trụ cột: học để biết, học để làm việc, học để cùng nhau chung sống và học để làm người; trong đó chủ yếu cổ súy và coi trọng phương thức tự học. Ngày nay, khái niệm học tập suốt đời ngày càng được chú trọng và có mặt trong hầu hết các chiến lược, chính sách quốc gia về giáo dục của mỗi đất nước.
Để xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời, không thể thiếu vai trò của khuyến học. Nhiệm vụ của công tác khuyến học không chỉ là hỗ trợ về mặt vật chất để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, mà còn góp sức cho phong trào “toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục”, “cả nước trở thành một xã hội học tập” nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nguồn nhân tài. Cho đến nay, Hội Khuyến học phát triển mạnh ở các địa phương, phong trào khuyến học cũng lan tỏa không chỉ trong các cơ quan, đơn vị, địa phương mà còn sâu rộng đến các cộng đồng, dòng họ, gia đình. Công tác khuyến học được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: trao tặng học bổng, cung cấp bữa ăn và chỗ ở miễn phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa, đỡ đầu cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được Hội Khuyến học các cấp quan tâm hỗ trợ để tiếp tục bám trường bám lớp, truyền thụ kiến thức cho học sinh, đây cũng là một trong những hình thức khuyến học hiệu quả. Tại Đồng Nai, hàng năm Hội Khuyến học tỉnh huy động bình quân trên 100 tỷ đồng cho công tác khuyến học, là con số không nhỏ góp phần rất lớn cho sự nghiệp khuyến học.
Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động của các Hội Khuyến học trong cả nước gần như chỉ mới thiên về mặt hỗ trợ, “làm từ thiện” là chính. Sự nghiệp khuyến học lẽ ra phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thì trong thực tế vẫn “ỷ lại” và hầu như khoán trắng cho Hội Khuyến học. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời có thể nói là “gánh nặng” cho Hội Khuyến học.
Để xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, Nhà nước cần có một chiến lược cụ thể và những chính sách đồng bộ trong toàn hệ thống, trong đó sự hỗ trợ về vật chất cũng cần thiết nhưng chủ yếu vẫn phải xuất phát từ nỗ lực của bản thân người học, từ nhận thức của cộng đồng. Chiến lược, chính sách về xã hội học tập chính là nền móng, phải do Nhà nước xây dựng và thông qua hệ thống chính trị, đoàn thể tác động đến mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng - tức tác động từ bên trong, còn vai trò của các Hội Khuyến học chỉ là kích hoạt, tác động từ bên ngoài.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, trong đó nhiệm vụ của Hội Khuyến học khá nặng, như: phối hợp duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng bộ chỉ số đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập; chủ trì xây dựng và thực hiện đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư; xây dựng các mô hình học tập phù hợp để thực hiện các mục tiêu của đề án. Rất “hoành tráng”, nhưng trong thực tế gần như không thể thực hiện được bởi vị trí còn “khiêm tốn” của các Hội Khuyến học hiện nay.
Hà Lam