Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức trong thực hiện nghĩa vụ tái chế rác của doanh nghiệp

08:12, 07/12/2020

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2022.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2022.

Một trong những điểm đáng chú ý là trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu gom, tái chế rác để thể hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mình.

Chính sách này xuất phát từ việc có khá nhiều loại hàng tiêu dùng mà khi sử dụng xong, thải bỏ ra môi trường gây ô nhiễm lớn như: pin, ắc quy, một số loại bóng đèn, máy vi tính, điện thoại, máy in, tivi, tủ lạnh, điều hòa, săm lốp, ô tô, xe máy. Thêm vào đó, để bán hàng tốt hơn thì nhiều nhà sản xuất hiện đang làm đẹp thêm quá mức với các loại bao gói sản phẩm như chai, lọ, hộp, lon, túi... rất lãng phí.

Nhằm giảm thiểu loại rác thải này và có thêm nguồn lực để thu gom, xử lý, tái chế thì Nhà nước đặt ra chính sách mỗi nhà sản xuất, nhập khẩu phải có nghĩa vụ thu gom, xử lý và tái chế hàng hóa của mình.

Thực tế, nội dung này đã từng được đề cập tại các Luật Bảo vệ môi trường trước đó, với tên gọi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). EPR sẽ yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng. Cho đến nay, việc mở rộng trách nhiệm này vẫn chưa thể đi vào thực chất.

Việt Nam đang đối mặt với áp lực rất lớn về rác thải rắn do cơ sở hạ tầng và quản lý không thể đáp ứng được khổi lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng, khoảng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Lượng rác thải lớn không được thu gom với mức độ từ 15% ở thành thị đến 45-60% ở nông thôn.

Tuy nhiên, việc thu gom và tái chế chất rắn nói chung, bao bì đã qua sử dụng nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Các DN sản xuất bao bì chủ yếu quy mô nhỏ và vừa nên nhân lực, tài chính khá hạn chế để có thể thực hiện một dự án thí điểm về theo dõi vòng đời của bao bì. Hơn nữa, đa phần các sản phẩm có bao bì nhựa trong lĩnh vực tiêu dùng hằng ngày là những sản phẩm dùng một lần. Thói quen tiêu dùng, sử dụng, phân loại rác thải của người dân cũng có thể nói là rất có hại đối với môi trường.

Điều đó đặt ra yêu cầu từ Nhà nước, đến nhà sản xuất, người tiêu dùng phải có được một chính sách thực sự gắn kết nhất trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường nhưng vẫn cân bằng được lợi ích của Nhà nước, DN.

Vương Thế

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích