Trong những năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia có triển vọng phát triển kinh tế cao. Ngay cả khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi đầy năng động, điều đó rất đáng quý khi chúng ta có nhiều cơ hội để gia tăng nguồn lực, thương hiệu quốc gia.
Trong những năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia có triển vọng phát triển kinh tế cao. Ngay cả khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi đầy năng động, điều đó rất đáng quý khi chúng ta có nhiều cơ hội để gia tăng nguồn lực, thương hiệu quốc gia.
Mặc dù vậy, đánh giá một cách tổng quan, Việt Nam vẫn đang ở trình độ phát triển tương đối thấp, mới bước đầu hiện đại hóa. Một trong những nguyên nhân là Việt Nam hầu như chưa làm chủ được các công nghệ lõi để phát triển công nghiệp, mà phần lớn phải nhập khẩu do nhân lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ còn mỏng, nhất là những lĩnh vực công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như kỹ thuật số và công nghệ thông tin, tự động hóa (blockchain, AI, Big Data...).
Kèm theo đó là hạ tầng cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, thử nghiệm để thúc đẩy tay nghề nhân lực. Thực tế, rất ít các doanh nghiệp công nghệ, nơi có thể chuyển hóa các tri thức, tích hợp với các kỹ thuật hiện có, tích hợp với nhu cầu của thị trường để tạo nên các ứng dụng mới, sản phẩm mới (đặc biệt là doanh nghiệp trong nước).
Trong bối cảnh khoa học công nghệ biến đổi từng ngày và sự liên kết, hợp tác về kinh tế diễn ra với nhiều tầng nấc, một quốc gia có thể trở nên vững mạnh hay không là tùy vào việc tích hợp được kinh nghiệm, công nghệ của thế giới trở thành nguồn lực của mình. Muốn làm được như vậy, yếu tố sống còn là phải có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, nhất là ở các ngành then chốt của nền kinh tế. Chỉ có như vậy mới có thể tạo được sự bứt phá, cơ hội để ứng dụng, tận dụng các thành tựu thế giới vào Việt Nam.
Điều kiện thuận lợi hiện nay là nước ta đang có một cơ cấu “dân số vàng” với hơn 56 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Đây là nguồn nhân lực nếu biết đầu tư sẽ là đòn bẩy để Việt Nam phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cả nước lại có khoảng 4/5 lao động chưa qua đào tạo. Sự phát triển của người lao động Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Nguồn nhân lực vẫn là một trong những khâu yếu nhất cản trở quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Vấn đề là, cơ cấu dân số vàng sẽ không kéo dài mãi, đến một lúc chúng ta phải đối mặt với dân số già. Sự tăng trưởng, phát triển kinh tế từ cơ cấu dân số vàng cũng sẽ không tự đến nếu Việt Nam không có các chính sách phù hợp. Nếu không tận dụng được, chúng ta sẽ tự đánh mất cơ hội.
Vương Thế