Trên địa bàn Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tình trạng dự án lâu năm không thực hiện tồn tại khá nhiều. Mỗi năm, Đồng Nai đều thu hồi hàng chục dự án chậm triển khai, đặc biệt là các dự án về bất động sản. Tuy nhiên, số dự án kéo dài từ 6-12 năm chưa thực hiện xong ở tỉnh vẫn còn khá nhiều, tập trung ở các địa phương: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa.
Trên địa bàn Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tình trạng dự án lâu năm không thực hiện tồn tại khá nhiều. Mỗi năm, Đồng Nai đều thu hồi hàng chục dự án chậm triển khai, đặc biệt là các dự án về bất động sản. Tuy nhiên, số dự án kéo dài từ 6-12 năm chưa thực hiện xong ở tỉnh vẫn còn khá nhiều, tập trung ở các địa phương: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa.
Thi công hạng mục cầu vượt Dầu Giây tại dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây |
Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai có nhiều, các địa phương, trong đó có Đồng Nai đã tiến hành rà soát và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hàng loạt dự án. Thế nhưng, việc thu hồi các dự án chậm thực hiện không dễ, vì những quy định của pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn nhiều kẽ hở khiến doanh nghiệp có thể “lách luật” để dây dưa chờ thời.
Dự án kéo dài không triển khai sẽ ảnh hưởng chung đến quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Cụ thể là các địa phương sẽ mất một nguồn thu lớn từ đất đai và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ liên quan đến dự án.
Với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nếu làm nhanh, sớm đưa vào khai thác, dân cư đến sinh sống đông, những khu vực xung quanh sẽ phát triển được dịch vụ, thương mại. Doanh nghiệp hoàn thành hạ tầng, chuyển nhượng đất đai, nhà cửa, tỉnh, địa phương sẽ thu thêm được những khoản thuế khác... Với các dự án sản xuất, kinh doanh thì việc mua bán, xuất khẩu hàng hóa giúp ngân sách tăng thêm nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu...
Theo các chuyên gia về kinh tế, để hạn chế bớt các dự án chậm triển khai, tăng nguồn thu cho ngân sách, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định cụ thể để siết chặt các chủ đầu tư dự án. Chẳng hạn như dự án sau khi được cấp phép đầu tư sẽ quy định thời gian phải hoàn thành đưa vào sử dụng, trường hợp chưa xong cũng phải đóng thuế đất. Như vậy sẽ tránh được lãng phí đất đai, đồng thời cũng thúc đẩy chủ đầu tư phải rốt ráo phối hợp với địa phương, nơi đang triển khai dự án, đẩy nhanh các công đoạn để sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác.
Có những quy định chặt chẽ trong quản lý, thu hồi dự án chậm tiến độ sẽ khiến các địa phương quản lý được tốt hơn. Những dự án cấp phép quá thời hạn quy định chưa thực hiện sẽ bị thu hồi để mời gọi nhà đầu tư đủ năng lực khác. Bên cạnh đó, UBND tỉnh khi ký quyết định thu hồi dự án không lo bị kiện ngược trở lại.
Thời gian qua, tại huyện Long Thành đã từng xảy ra vụ việc, doanh nghiệp xin đầu tư dự án nhưng kéo dài không thực hiện, UBND tỉnh đã ký quyết định thu hồi dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã kiện ngược vì thu hồi dự án chưa đúng trình tự và vụ việc phải đưa ra tòa giải quyết. Do đó, để tránh xảy ra những vấn đề đáng tiếc trong công tác quản lý, xử lý dự án chậm triển khai, Đồng Nai và các tỉnh thành khác rất cần Chính phủ cùng các chuyên gia nghiên cứu ban hành quy định rõ ràng, chi tiết trong việc quản lý và thu hồi dự án chậm thực hiện.
Khánh Minh