Hằng tháng, cơ quan thuế vẫn công bố danh sách doanh nghiệp (DN) chậm nộp thuế để các DN này sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình mà thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Tuy nhiên, hầu như tháng nào danh sách DN chậm nộp thuế cũng nhiều, thậm chí ngày càng dài ra.
Hằng tháng, cơ quan thuế vẫn công bố danh sách doanh nghiệp (DN) chậm nộp thuế để các DN này sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình mà thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Tuy nhiên, hầu như tháng nào danh sách DN chậm nộp thuế cũng nhiều, thậm chí ngày càng dài ra.
Cục Thuế Đồng Nai vừa công khai danh sách 58 doanh nghiệp nợ đọng 407 tỷ đồng tiền thuế |
Đơn cử, tháng 9-2019, Cục Thuế Đồng Nai công khai thông tin 52 DN còn nợ đọng trên 312 tỷ đồng tiền thuế. Đến hết tháng 10, con số DN nợ thuế là 58 với số nợ đọng lên tới 407 tỷ đồng. Trong đó, có 47 DN ngoài quốc doanh nợ hơn 303 tỷ đồng và 11 DN có vốn đầu tư nước ngoài nợ hơn 103 tỷ đồng.
Thực trạng nợ thuế của DN do nhiều nguyên nhân từ hoạt động sản xuất kinh doanh, cả chủ quan và khách quan. Bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trong một số năm qua của nước ta gặp nhiều khó khăn, tác động đến DN và khả năng nộp thuế của họ. Trong một thời gian dài, đã có không ít DN phát triển “nóng”, dẫn đến rủi ro khiến nợ thuế kéo dài, thậm chí không có khả năng trả.
Đó là một thực tế khó khăn đối với công tác quản lý, đôn đốc thu nợ thuế. Hầu hết các DN bị công khai thông tin nợ đọng thuế đều đã được Cục Thuế Đồng Nai thực hiện các biện pháp cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản ngân hàng để thu hồi tiền thuế nợ. Tuy nhiên, đến nay ngành Thuế vẫn chưa thu được tiền nợ thuế của các DN này.
Lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai cho hay, việc công bố DN nợ thuế trên các phương tiện truyền thông chỉ có tác dụng đối với các DN làm ăn chân chính. Riêng với những DN chây ì nợ thì các biện pháp thu hồi nợ thuế như hiện nay chưa đủ sức răn đe. Hình thức cao nhất hiện nay được cơ quan thuế áp dụng là cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn và công bố việc nợ thuế công khai trên các phương tiện truyền thông. Những việc này chưa đủ mạnh để các DN chây ì nợ phải lo xoay tiền nộp thuế.
Đã đến lúc cần phải sòng phẳng đối với những DN chây ì nộp thuế. Bởi cuộc chơi trên thương trường là công bằng như nhau với tất cả mọi DN. Pháp luật cũng đã có các biện pháp xử lý hành chính trong việc chây ì nộp thuế. Tuy nhiên, nếu xử lý hành chính thuận tình hợp lý mà vẫn không giải quyết được thì cũng nên xem xét xử lý hình sự. Theo Bộ Tài chính, đối với các trường hợp người nộp thuế nợ thuế chây ì, bỏ trốn, tẩu tán tài sản, không nộp tiền thuế, cố tình chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế nhằm xử lý nghiêm, triệt để.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, ngoài những biện pháp nêu trên, nên chăng phải có giải pháp ngăn ngừa ngay từ đầu. Cần xem thuế là một điều kiện “đính kèm” trong hồ sơ năng lực của DN khi cấp phép đầu tư, sản xuất kinh doanh… thì việc chấp hành nghĩa vụ thuế mới đầy đủ. Không thể để tình trạng DN, cá nhân này chấp hành nghiêm chỉnh, trong khi DN, cá nhân khác lại tìm mọi cách để né thuế mà không có chế tài nào hữu hiệu. Trường hợp DN chậm nộp do khó khăn thực sự trong sản xuất, kinh doanh thì phải có sự tháo gỡ, tạo điều kiện cho họ tồn tại, phát triển để thực hiện nghĩa vụ thuế.
Văn Gia