Chú Tám xe ôm nói với anh Tư Bốn:
- Vụ Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú làm tao phấn khởi, không phải chỉ vì cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, mà người dân còn hy vọng sẽ làm rõ, thu hồi tài sản Nhà nước thất thoát do tham nhũng.
Chú Tám xe ôm nói với anh Tư Bốn:
- Vụ Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú làm tao phấn khởi, không phải chỉ vì cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, mà người dân còn hy vọng sẽ làm rõ, thu hồi tài sản Nhà nước thất thoát do tham nhũng.
Anh Tư Bốn lắc đầu:
- Chưa chắc. Chú có biết trong 10 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng từ năm 2006 tới 2016, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện là gần 60 ngàn tỷ đồng và trên 400 hécta đất, nhưng thu hồi chỉ được gần 5 ngàn tỷ đồng với khoảng 200 hécta đất. Đất thì không “chạy” được mà tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 50%, còn tiền thì “di động” từ túi người này qua túi người khác quá dễ dàng nên tỷ lệ thu hồi chưa tới 10%.
Chú Tám sững sờ:
- Nguyên nhân là do đâu?
Anh Tư Bốn giải thích:
- Do tẩu tán tài sản. Con lấy ví dụ hén: giả sử xác định Trịnh Xuân Thanh tham nhũng, cần thu hồi, nhưng nếu không chứng minh được căn biệt thự trị giá hàng triệu đô la ở Tam Đảo là của Trịnh Xuân Thanh thì làm sao thu hồi?
Chú Tám gật gù:
- Vậy phải làm sao?
Anh Tư Bốn “chém gió”:
- Theo con, cần phải thay đổi cách kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên hiện nay, đó là chứng minh nguồn gốc tài sản ngay từ đầu, chứ không phải đến lúc bị điều tra mới khai là “thừa kế của bố mẹ” hay do “em kết nghĩa tặng”, do “nuôi gà”, “làm chổi đót”... mà có. Thậm chí, trong một số trường hợp ngay cả cha mẹ, vợ con, anh em của cán bộ lãnh đạo cũng phải kê khai tài sản để tránh trường hợp tẩu tán tài sản. Song song đó, Nhà nước cần có biện pháp hạn chế tối đa chi tiêu tiền mặt mà phải qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát, tránh tình trạng “rửa tiền”. Tham nhũng mà hổng được xài tiền, vậy tham nhũng để làm gì?
Chú Tám gãi đầu, cười:
- Ừ hén.
Ong mật