Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định trên giấy

11:12, 23/12/2016

Tao mới coi cái "líp" trên mạng, thấy cả đám cá hồi cứ thoăn thoắt bơi qua bơi lại ở một quãng đường bị ngập nước dọc theo sông Skokomish thuộc Washington của Mỹ.

Chú Tám xe ôm cười ha hả:

- Tao mới coi cái “líp” trên mạng, thấy cả đám cá hồi cứ thoăn thoắt bơi qua bơi lại ở một quãng đường bị ngập nước dọc theo sông Skokomish thuộc Washington của Mỹ. Cá hồi con nào con nấy to đùng mà hổng thấy ai bắt, thậm chí xe hơi qua lại còn phải chạy chầm chậm để né tụi nó. Vụ này mà ở nước mình, mấy ông nhậu “lượm” hết từ lâu.

Anh Tư Bốn cười theo:

- Con cũng có coi clip. Đàn cá hồi này mỗi năm từ tháng 11 tới tháng 12 đều vượt qua đoạn đường nói trên để tìm bạn tình và đẻ trứng. Luật của Mỹ và nhiều nước khác nghiêm cấm đánh bắt cá hồi trong dịp này để bảo vệ chúng không bị tận diệt. Nước mình cũng có quy định cấm đánh bắt các loại thủy hải sản trong mùa sinh sản.

Chú Tám trề môi:

- Ngoài chợ, cá ôm cả bụng trứng, tức là cá đang trong mùa sinh sản như bây nói, vẫn bán đầy. Không chỉ cá đang có trứng, mà từ con tôm “thơ ấu” đến con cá “thiếu nhi” cũng bị tận thu bằng điện, bằng lưới mắt nhỏ, lấy gì kịp lớn để sinh sản? Ngẫm ra, nước mình đâu có thiếu các quy định để bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Nhưng cũng vì thực hiện không nghiêm nên quy định chỉ nằm… trên giấy, thiên nhiên cứ bị tàn phá, môi trường cứ bị xâm hại.

Anh Tư Bốn kể:

- Hồi con đi Hà Lan chơi, thấy trên mấy con sông, rạch ở đó vịt trời, thiên nga lúc nào cũng nhởn nhơ, nhìn rất thích. Con lại được nghe kể câu chuyện vui: vịt trời, thiên nga ở Hà Lan biết phân biệt quốc tịch, hễ thấy người Việt tới gần là chúng cảnh giác bay đi bởi sẽ có nguy cơ bị bắt… làm thịt.

Chú Tám cười… như mếu:

- Muốn dân mình thật sự yêu quý môi trường, gìn giữ thiên nhiên, xem ra từ chính quyền đến các đoàn thể, ngành GD-ĐT phải quyết liệt và kiên nhẫn dài dài, để quy định vào được cuộc sống chứ không chỉ nằm trên giấy.

Ong mật

 

 

Tin xem nhiều