Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuối xuất khẩu chỉ 1-2 ngàn đồng/kg, nông dân kêu cứu

Bình Nguyên
08:19, 13/01/2024

Vài tuần trở lại đây, giá chuối cấy mô xuất khẩu rơi theo chiều thẳng đứng, hiện chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg. Nhiều nông dân trồng chuối xuất khẩu như “ngồi trên lửa” vì giá bán rẻ như cho nhưng vẫn khó gọi được thương lái đến mua.

Nông dân H.Thống Nhất lo lắng vì chuối rớt giá dưới 2 ngàn đồng/kg
Nông dân H.Thống Nhất lo lắng vì chuối rớt giá dưới 2 ngàn đồng/kg

Theo thương lái mua chuối, nguyên nhân giá chuối giảm sâu do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó chủ yếu do ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Ngoài nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm, còn có áp lực cạnh tranh từ nhiều nước trong khu vực đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

* Nông dân trồng chuối chờ “giải cứu”

Năm 2023, nông dân trồng chuối cấy mô xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trúng lớn vì bán được giá cao, đạt lợi nhuận khủng. Theo đó, nhiều nông dân đầu tư cả trăm triệu đồng thuê thêm đất để nhân rộng diện tích cây trồng này. Nhưng trái với kỳ vọng, nông dân trồng chuối cấy mô xuất khẩu đang phải kêu cứu vì chuối rộ vụ thu hoạch, giá rớt chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg mà vẫn không gọi được thương lái mua.

Ông Hà Văn Mạnh, chủ vườn chuối ở xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất) cho biết, toàn bộ 5,2ha chuối đang cho thu hoạch của gia đình ông đều là đất thuê với giá 100 triệu/ha/năm, tăng hơn 1ha so với vụ năm ngoái. Do đa số diện tích trồng chuối của ông là thế hệ F2 (chuối cấy mô trồng đợt 1 cho thu hoạch, nhà vườn tận dụng lại cây con do cây mẹ đẻ ra tiếp tục làm vụ 2), vì không tốn tiền mua cây giống nên giá thành sản xuất chuối của ông chỉ khoảng 5 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành chuối cấy mô khoảng 2 ngàn đồng/kg. Hiện các vườn chuối của ông đều cần thu hoạch. Khoảng 3 ngày trước, ông chốt giá với thương lái 1,9 ngàn đồng/kg, nay gọi lại tiếp tục giảm còn 1,2 ngàn đồng/kg.

Ông Mạnh xót xa bày tỏ: “Tôi còn gần 100 tấn chuối khoảng 2 tuần nữa là thu hoạch, với giá bán như hiện nay coi như nhà vườn thua trắng tay. Nông dân thiệt đơn thiệt kép vì giá chuối càng rẻ, thương lái tuyển chuối càng khắt khe, tỷ lệ hàng dạt bỏ đi đến hơn 50% tổng sản lượng chuối trong vườn. Rất nhiều quầy chuối thương lái bỏ lại vườn không cắt, quầy được cắt thì họ cũng chỉ chọn vài ba nải đẹp. Vụ này, tổng tiền đầu tư phân, thuốc, nhân công cho toàn bộ diện tích trồng chuối này khoảng 850 triệu đồng mà tôi mới thu về chưa đến 200 triệu đồng, tính sơ tôi lỗ hơn 600 triệu đồng”.

Theo một số đơn vị xuất khẩu chuối, nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu chuối gặp khó khăn do tháng 12-2023, Trung Quốc trải qua đợt lạnh kỷ lục, nhiều nơi bị đóng băng, khiến người dân không đi chợ được. Việc vận chuyển hàng bằng tàu biển cũng bị ảnh hưởng khiến nguồn chuối đã xuất khẩu trước đó bị ùn ứ khá nhiều. Ngoài ra, chuối Việt Nam bị yếu thế trong cạnh tranh với các nước Campuchia, Lào đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này bằng đường bộ vừa nhanh, chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, nông dân trồng 6ha chuối cấy mô xuất khẩu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) kể, hơn 2 tháng trước, giá chuối cấy mô xuất khẩu bán được 8 ngàn đồng/kg, sau đó liên tục rớt giá theo chiều thẳng đứng còn 6 ngàn đồng, 4 ngàn đồng và giờ chưa đến 2 ngàn đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá chuối nông dân bán tại vườn được 14-15 ngàn đồng/kg mà thương lái còn phải đi khắp nơi lùng mua. Còn hiện nay, giá rẻ như cho nhưng nông dân vẫn khó gọi được thương lái mua hàng.

Anh Bao Sình Mành, nông dân trồng chuối ở xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) cho biết thêm, năm trước, gia đình anh chỉ trồng hơn 1ha chuối. Do bán được giá cao, lợi nhuận tốt nên năm nay anh mạnh dạn bỏ tiền thuê đất tăng diện tích trồng lên 8ha. Dự kiến vụ thu hoạch này, gia đình anh thu được khoảng 320 tấn chuối.

Anh Mành so sánh: “Vốn đầu tư 1ha chuối cấy mô từ 250-280 triệu đồng, với giá bán 2 ngàn đồng/kg, ngay cả khi bán được trọn vẹn 40 tấn chuối/ha, nông dân cũng chỉ thu được 80 triệu đồng, so với mức đầu tư vẫn lỗ tiền trăm triệu trên mỗi ha chuối”.

* Tắc đường xuất khẩu

Ông Vòng Cống Chính, nông dân trồng 10ha chuối xuất khẩu tại ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc cho hay, ông đang kìm phân bón để làm chậm thời gian thu hoạch, vì nông dân vùng này không gọi được thương lái mua chuối. Nguyên nhân do đây không phải là vùng chuyên canh trồng chuối lớn nên ít có xưởng đóng gói xuất khẩu như ở H.Trảng Bom. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều vùng trồng chuối ở các xã, huyện vùng sâu, vùng xa như: Định Quán, Xuân Lộc.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, thương lái mua chuối trên địa bàn H.Trảng Bom: “Vài ngày trở lại đây, đa số thương lái chúng tôi tạm ngừng mua chuối do việc xuất khẩu bị đình đốn. Một số nơi còn mua thì cũng đóng hàng với sản lượng giảm hơn rất nhiều so với trước. Nguyên nhân thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp xuất khẩu chuối đang chậm hoặc ngưng nhận hàng”.

Ông Nguyễn Lê Trung, chủ đội chuyên làm dịch vụ đóng gói chuối xuất khẩu tại H.Thống Nhất cho biết thêm, cùng kỳ năm ngoái, chuối sốt giá, hoạt động đóng chuối thường tăng ca đến 10-11 giờ đêm; lượng chuối đưa về các xưởng của doanh nghiệp xuất khẩu đạt 13-14 tấn/ngày nhưng giờ chỉ được hơn một nửa. Doanh nghiệp xuất khẩu xét chất lượng chuối rất kỹ, sẵn sàng trả hàng về chứ không có bao nhiêu thu bấy nhiêu như khi thị trường xuất khẩu tốt. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ chuối dạt bị bỏ lại nhà vườn rất nhiều. Năm ngoái, cơ sở đi đóng chuối khắp nơi, về đến các huyện vùng sâu Định Quán, Tân Phú mua hàng, nhưng năm nay ngay tại “thủ phủ” trồng chuối cấy mô Trảng Bom, Thống Nhất nguồn chuối còn tồn rất nhiều nên không tính đến chuyện đi vùng xa đóng chuối, vì chi phí và rủi ro đều cao hơn.

Bình Nguyên


Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH: Sẽ gỡ khó cho các cơ sở đóng gói chuối và trái cây xuất khẩu

Sau khi Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng trái cây tươi, nhất là trái chuối sang thị trường này, các cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu phải được cấp mã số cơ sở đóng gói với nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn về quy mô, cơ sở vật chất. Sự tăng nhanh đầu tư của các cơ sở đóng gói, sơ chế nông sản tươi xuất khẩu bộc lộ những vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ như: công tác quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương chưa theo kịp thực tiễn nên còn nhiều vi phạm trong chấp hành quy định về xây dựng, đất đai; một số cơ sở đóng gói hoạt động theo thời vụ gây khó khăn trong công tác rà soát, quản lý…

Sở NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh về giải pháp đồng bộ từ các địa phương đến các sở, ngành liên quan để gỡ khó và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu được đầu tư và hoạt động đúng quy định. Trong đó, quan trọng nhất là tham mưu cơ chế hoặc quy định riêng trong quy hoạch, xây dựng công trình phục vụ ngành sơ chế, đóng gói nông sản vừa và nhỏ để tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn trong chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, giấy phép môi trường, điện phục vụ sản xuất…

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Trảng Bom (xã Thanh Bình) TRẦN NGỌC TÚ: Đảm bảo bao tiêu cho nông dân trong chuỗi liên kết

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Trảng Bom là một trong những đơn vị xây dựng tốt chuỗi liên kết trong trồng và xuất khẩu chuối của tỉnh. Diện tích chuối do HTX đầu tư, liên kết với nông dân trên địa bàn các huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Vĩnh Cửu khoảng 200ha. Ngoài thị trường Trung Quốc, HTX còn xuất khẩu được vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Từ đầu vụ xuất khẩu đến nay, trung bình mỗi ngày HTX vẫn đang đóng từ 5-7 container chuối xuất khẩu nên vẫn đảm bảo mua chuối của các thành viên HTX và nông dân tham gia trong chuỗi liên kết với mức giá trong hợp đồng bao tiêu là 7 ngàn đồng/kg.

Lê Quyên (ghi)


Tin xem nhiều