Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Tân Phú: Chủ động cung ứng hàng thiết yếu đến các địa phương vùng xa

09:09, 08/09/2021

Trong thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, H.Tân Phú đã chủ động triển khai nhiều hình thức kết nối, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là đối với người dân ở những khu vực cách ly, các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

 

Trong thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, H.Tân Phú đã chủ động triển khai nhiều hình thức kết nối, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là đối với người dân ở những khu vực cách ly, các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Tổ phân phối và cấp phát hàng hóa của xã Phú Sơn (H.Tân Phú) đến từng hộ gia đình để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Địa phương cung cấp
Tổ phân phối và cấp phát hàng hóa của xã Phú Sơn (H.Tân Phú) đến từng hộ gia đình để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Địa phương cung cấp

Theo đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo 5 cấp độ khác nhau của dịch bệnh Covid-19; xây dựng phương án chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân trong tình huống bị cách ly (1 tổ, 1 khu phố/ấp hoặc 1 thị trấn/xã) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

* Linh động các phương án cung ứng

Ông Lê Văn Ánh, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn chia sẻ, hiện nay tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn xã khá ổn định. Xã đã thành lập Ban vận động các nguồn hỗ trợ nhu yếu phẩm để chủ động phương án kết nối, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, nhất là trong thời gian trên địa bàn xuất hiện trường hợp ca dương tính, phải tiến hành cách ly y tế một số khu vực để phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, địa phương phân công Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các đoàn thể của xã phân phát hàng thiết yếu từ các nguồn vận động đến từng hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thông qua các tổ nhân dân ở các ấp để nắm tình hình, xác minh các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, hỗ trợ.

Là địa bàn vùng sâu, cách xa trung tâm huyện, việc đi lại còn nhiều khó khăn, xã Đắc Lua đã chủ động các phương án cung ứng đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch.

Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua Trần Thị Khuyên cho hay, địa phương chủ động các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân. Trên địa bàn xã còn có khu vực trồng nông sản góp phần tăng thêm lượng, thực phẩm cung ứng cho địa phương. Xã cũng phát phiếu để người dân đi chợ 1 lần/tuần theo quy định. Đặc biệt đối với ấp 7, khu vực xa nhất của xã, địa phương tạo điều kiện để người dân xuống chợ của xã để mua hàng thiết yếu. Xã thường xuyên cử người túc trực, nắm bắt thông tin từ các ấp để kịp thời đưa nhu yếu phẩm đến các hộ khó khăn cần hỗ trợ khẩn cấp, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Bà Khuyên cho biết thêm, nguồn hàng hóa thiết yếu cung ứng về xã phần lớn được lấy từ chợ Phương Lâm (xã Phú Lâm). Do vị trí đặc thù của xã Đắc Lua nên quá trình vận chuyển hàng hóa phải đi qua các chốt kiểm soát phòng dịch của tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, xã chủ động kết nối, liên hệ với địa phương bạn và thống nhất phương án tiếp nhận hàng hóa đưa vào địa phương thông qua chốt kiểm soát bên xã Quảng Ngãi (H.Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).

Các địa phương của huyện đã triển khai phát phiếu đi chợ để tạo điều kiện cho người dân vừa có thể mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, vừa đảm bảo tuân thủ những quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX TMDV Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm cho biết, nguồn hàng hóa thiết yếu tại chợ hiện nay khá dồi dào. Trung bình lượng nông sản tiêu thụ tại chợ khoảng 60 tấn rau củ quả/ngày, đêm. Nhiều xã trên địa bàn đã thống nhất mẫu phiếu “đi chợ”, phân bổ thời gian hợp lý nên lượng người dân đến chợ được kiểm soát, ổn định. Trên cơ sở đó, chợ phân luồng mua sắm theo 1 chiều vào và 1 chiều ra để đảm bảo giãn cách, khai báo y tế, thực hiện nguyên tắc 5K…

Bà Đỗ Thị Thu Giang (ngụ ấp Phú Tân, xã Phú Bình) chia sẻ: “Tôi đã nhận phiếu đi chợ mẫu mới 1 tuần đi 1 lần. Tôi thấy việc áp dụng phiếu đi chợ là cần thiết để phòng, chống dịch bệnh. Tôi thường đi chợ Phương Lâm và thấy nguồn hàng hóa ở đây khá phong phú, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân với giá cả phải chăng, phù hợp trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay”.

* Sẵn sàng phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh

Theo Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Phạm Duy Thi, huyện duy trì hoạt động 8 chợ trên địa bàn để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Huyện triển khai rà soát, đăng ký với Sở Công thương 50 điểm bán hàng thiết yếu, tập kết hàng hóa bán hàng thiết yếu tại các xã, thị trấn để dự phòng trường hợp các chợ tạm ngừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Một số địa phương, đơn vị đã triển khai các gian hàng 0 đồng phục vụ người dân. Huyện cũng linh động các nguồn cung ứng thực phẩm “tự cung tự cấp” tại chỗ ở các địa phương trên địa bàn.

Ông Phan Phú Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Tà Lài chia sẻ, địa phương phân công Đoàn Thanh niên, Hội LHPN xã chủ động cung cấp nhu yếu phẩm cho khu vực cách ly y tế, các hộ khó khăn trên địa bàn. Ủy ban MTTQ, đoàn thể của xã kết nối, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ các suất quà, nhu yếu phẩm, cũng như đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho người dân, nhất là đối với các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các địa bàn vùng xa… Ngoài ra, xã còn chủ động nguồn gạo dự phòng để kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn và bố trí 3 điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn xã trong thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, huyện đã rà soát, lập danh sách những người kinh doanh gas, các hộ tiểu thương, HTX, ban quản lý các chợ trên địa bàn huyện đăng ký với Sở Công thương đưa vào kế hoạch ưu tiên vaccine phòng Covid-19. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các cơ quan có liên quan thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các chợ, hỗ trợ các đơn vị cung ứng hàng lương thực thiết yếu tiếp cận, vận chuyển đến các khu vực có nhu cầu…

Nhằm kiểm soát việc thu mua nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát các điểm thu mua nông, lâm, thủy sản trên địa bàn xã, thị trấn quản lý, bố trí điểm thu gom hàng hóa tập trung. Tại các điểm thu mua yêu cầu chủ cơ sở phải đăng ký, cung cấp các thông tin như: tên chủ cơ sở, số lượng nhân viên thu mua, danh sách tài xế xe chở hàng, mã số ghi lại thông tin người bán hàng cho cơ sở và thực hiện ký cam kết về phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K của ngành Y tế.

Hải Quân

 

Tin xem nhiều