Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý mạnh tay với thực phẩm bẩn

08:05, 13/05/2023

Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023 diễn ra trên toàn quốc với chủ đề: Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Một trong những mục tiêu mà Tháng Hành động hướng đến là đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023 diễn ra trên toàn quốc với chủ đề: Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Một trong những mục tiêu mà Tháng Hành động hướng đến là đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Trong Tháng Hành động vì ATTP, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP. Đồng thời, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đây là hoạt động đã diễn ra nhiều năm nay, thực sự trở thành đợt rà soát trên diện rộng tình hình thực hiện công tác đảm bảo an ninh, ATTP trên phạm vi cả nước. Qua Tháng hành động, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP được đẩy mạnh đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực này. Ý thức, trách nhiệm của cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân về ATTP cũng được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cho thấy, còn khá nhiều lỗi vi phạm cứ lặp đi lặp lại, phổ biến nhất vẫn là việc chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm không mặc trang phục bảo hộ lao động đầy đủ; thiếu hợp đồng, hóa đơn của nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào… Đặc biệt, việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; tình trạng sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm không nằm trong danh mục được phép sử dụng để sơ chế, chế biến thực phẩm vẫn còn khá phổ biến.

Vì thế, trên địa bàn cả nước vẫn còn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến nhiều người nhập viện, thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, những tác động mà thực phẩm bẩn “ngấm” dần vào cơ thể có khả năng gây ra các bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người như ung thư, tim mạch… Mất ATTP vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống người dân hàng ngày, hàng giờ.

Thời gian qua, mặc dù công tác thanh, kiểm tra trên lĩnh vực vệ sinh ATTP đã được đẩy mạnh, song theo các ngành chức năng, do cơ chế xử phạt còn nhẹ, thiếu sức răn đe nên các hành vi vi phạm vẫn xảy ra. Điều này đòi hỏi cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh hơn nữa mới trị được “căn bệnh” lờn thuốc của các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn. Chỉ khi những cơ sở này bị xử lý nghiêm, các cơ sở làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ, phục vụ tốt hơn yêu cầu tiêu thụ thực phẩm đảm bảo an toàn của người dân.            

Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều