Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn nhiều nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm

08:05, 13/05/2023

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Ảnh: PQ
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Ảnh: PQ

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều nỗi lo về vấn đề VSATTP. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm về VSATTP cần mạnh tay hơn nữa để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

* Những vi phạm chủ yếu

Ông Nguyễn Đình Quang, Phó đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho hay, thời gian qua, tình hình mua bán, giết mổ động vật không phép, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật đã chết; vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra. Đối tượng vi phạm là các cơ sở giết mổ, nổi lên ở TP.Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc.

Ngoài ra, còn có tình trạng sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nằm trong danh mục được phép sử dụng để sơ chế, chế biến thực phẩm. Tập trung ở đối tượng là chủ các cơ sở sơ chế sản phẩm động vật, thực phẩm đông lạnh, phần lớn ở địa bàn Trảng Bom, Long Thành, Biên Hòa.

Toàn tỉnh hiện có 49 cơ sở giết mổ động vật hoạt động có sự kiểm soát của cơ quan thú y với công suất bình quân 60 con trâu, bò, hơn 2,1 ngàn con heo và 40 ngàn con gà mỗi ngày.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Y tế H.Thống Nhất Nguyễn Công Thành, trên địa bàn huyện hiện có 32 bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ. Qua kiểm tra công tác VSATTP tại 7 bếp ăn trong quý I-2023 cho thấy, các trường học đều mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm đông lạnh để qua ngày. Nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm có giấy khám sức khỏe còn hiệu lực, được tập huấn kiến thức về VSATTP…

Tuy nhiên, công tác đảm bảo VSATTP tại các trường học còn một số khó khăn như: việc ghi chép nhật ký lưu mẫu và ghi chép sổ kiểm thực 3 bước của một số trường chưa cụ thể, còn bỏ trống nhiều nội dung theo quy định.

Về mặt tổng thể, nguồn nước trên địa bàn huyện hiện nay có chỉ tiêu độ PH=<6,5, tương đối thấp so với chỉ tiêu, nguồn nước thủy cục chưa cung cấp đủ so với nhu cầu. Do đó, các trường học thường chọn phương án đầu tư hệ thống xử lý nước hoặc mua nước từ các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình đủ điều kiện để khắc phục tình trạng nguồn nước giếng không đạt tiêu chuẩn. Điều này đã dẫn đến chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động của nhà trường phục vụ công tác VSATTP.

Giá trị mỗi suất ăn tại các trường hiện còn thấp, đa số dưới 25 ngàn đồng/suất (gồm: bữa trưa, bữa xế, sữa pha) trong khi giá thực phẩm đầu vào ngày càng tăng khiến các trường gặp khó khăn trong vấn đề lựa chọn thực phẩm cũng như nhà thầu cung cấp thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng.

* Xử lý mạnh tay để răn đe

Theo ông Nguyễn Đình Quang, quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng công an với các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực thú y, VSATTP vẫn gặp không ít vướng mắc. Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi với nhiều phương thức nhằm đối phó với sự phát hiện, kiểm tra của cơ quan chức năng. Các văn bản quy định của pháp luật chưa chặt chẽ. Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn thấp, thiếu tính răn đe.

Đặc biệt, lực lượng công an chưa được đào tạo chuyên sâu trong việc thu mẫu thực phẩm, thú y. Do đó, khi phát hiện, xử lý các vụ việc về VSATTP phải phối hợp với cơ quan khác để thu mẫu. Đối với các vụ việc ngoài giờ hành chính, các cơ quan có chức năng liên quan không bố trí cán bộ thu mẫu làm việc, gây khó khăn trong vấn đề này.

Năm 2022, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 165 vụ việc vi phạm hành chính về thú y, VSATTP. Qua đó, xử phạt 135 đối tượng với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Bàn giao cơ quan chức năng tiêu hủy 27,7 tấn sản phẩm động vật, thực phẩm vi phạm, khởi tố 2 đối tượng có hành vi giết mổ 17 con heo chết nhiễm dịch tả heo châu Phi.

Đối với các hành vi vi phạm như: sử dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến thực phẩm, quá trình xử lý vi phạm cần có thời gian tạm giữ tang vật là thực phẩm để phân tích, giám định. Tuy nhiên, đây là loại tang vật đặc thù, dễ hư hỏng, phải có thời gian chờ thu mẫu, phân tích mẫu để làm cơ sở xử lý. Nhưng hiện chưa có văn bản quy định về quy trình, cách thức, trách nhiệm, địa điểm bảo quản thực phẩm tươi sống để tạm giữ tang vật. Trên địa bàn tỉnh cũng không có địa điểm, kho lưu trữ nào để lưu giữ những tang vật vi phạm. Từ đó, gây khó khăn cho công tác tạm giữ, lưu mẫu phục vụ cho công tác điều tra xác minh.

Liên quan đến công tác giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh, ông Lê Minh Hân, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT) cho hay, có 3 loại hình cơ sở giết mổ động vật đang tồn tại trên địa bàn tỉnh gồm: cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ tạm thời và điểm giết mổ trái phép/không phép. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.

Cũng theo ông Hân, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại tình trạng giết mổ động vật nhỏ lẻ, thủ công, không bảo đảm VSATTP như: giết mổ trên nền gạch, có diện tích chật hẹp, trang thiết bị không đảm bảo. Nhiều trường hợp giết mổ động vật trái phép, bày bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, đặc biệt là ở các chợ tạm, vỉa hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý các điểm giết mổ không phép. Việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, VSATTP chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Hộ giết mổ động vật chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, VSATTP mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, chưa chấp hành việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chấp nhận sử dụng những thực phẩm không rõ xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát, chứng nhận nên đã vô tình tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ không phép tồn tại.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích