Báo Đồng Nai điện tử
En

Khám phá ở đảo ngọc

09:10, 28/10/2016

Đã từng đến Safari world ở Thái Lan, nên khi nghe nói ở đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vừa xây dựng Vinpearl Safari Phú Quốc (xã Gành Dầu), tôi đã hăm hở tìm đến để khám phá (safari: khám phá).

Đã từng đến Safari world ở Thái Lan, nên khi nghe nói ở đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vừa xây dựng Vinpearl Safari Phú Quốc (xã Gành Dầu), tôi đã hăm hở tìm đến để khám phá (safari: khám phá).

Một góc Safari Phú Quốc với cảnh quan thơ mộng. Ảnh: T.THÚY
Một góc Safari Phú Quốc với cảnh quan thơ mộng. Ảnh: T.THÚY

So với Safari world chỉ có 90 hécta, Safari Phú Quốc “hoành tráng” hơn hẳn với diện tích xây dựng giai đoạn 1 lên đến 380 hécta (tổng diện tích dự án là gần 500 hécta). Có lẽ vì còn “sơ sinh”, mới ra đời được có 10 tháng nên các hoạt động nơi đây chưa phong phú bằng ở Thái Lan. Dù vậy, là công viên chăm sóc và bảo tồn động vật, vườn thú bán hoang dã “lộ thiên” duy nhất và đầu tiên ở Việt Nam, Safari Phú Quốc đem đến nhiều trải nghiệm vô cùng hứng thú cho du khách. Nơi đây đang nuôi dưỡng, bảo tồn khoảng 3 ngàn loài động vật thuộc 150 chủng loại khác nhau đến từ Nam Phi, châu Âu, Úc, Mỹ, trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Đi xem thú và “cho thú xem”

Cũng như các safari khác trong hệ thống, Safari Phú Quốc được chia thành 2 khu vực chính: khu vườn thú mở (open zoo) và khu bán hoang dã (safari park). Khu vườn thú mở giống như Thảo cầm viên ở TP.Hồ Chí Minh, du khách thoải mái đi dạo (hoặc đi xe điện), giao tiếp, tiếp xúc với hơn 90 loài động vật đang sinh sống tại đây. Một số loài không nguy hiểm, như: hươu, nai, mang mễn… được thả tự nhiên; còn những loài nguy hiểm, như: hổ, sư tử, voi… dĩ nhiên vẫn phải ở trong chuồng sắt kiên cố hoặc nuôi thả trong khu vực cách ly cho chắc ăn để không “làm giảm” số lượng du khách đến tham quan.

Mỗi ngày, Safari Phú Quốc có 2 show biểu diễn động vật rất dễ thương với các “diễn viên”, như: vẹt Nam Mỹ, rồng đất Komodo, vượn má vàng, diều hâu, chồn đất, cầy mực, rái cá… Sau show diễn, du khách thoải mái “giao lưu”, chụp ảnh với các “diễn viên”.

Ngay trong hồ ở đầu lối đi vào khu vực này là nơi sinh sống của bầy hồng hạc. Loài chim “chân dài” này khi ngủ thì đứng một chân, đầu rúc vào cánh, thật thú vị. Thoạt nhìn, hồng hạc hơi giống thiên nga với bộ lông trắng muốt, nhưng khi chúng giang cánh lại lộ ra bộ lông màu hồng tuyệt đẹp. Khi bay lượn, đôi cánh hồng hạc tạo thành vũ điệu tuyệt vời trên nền thiên nhiên thơ mộng, rung động trái tim mọi du khách. Khu vườn thú mở còn có những con vượn đuôi cáo bé nhỏ, xinh xắn với đôi mắt to và chiếc đuôi có sọc vằn giống như đuôi cáo; vượn cáo - một trong những loài linh trưởng nhỏ nhất thế giới, từng xuất hiện trong phim hoạt hình Madagasca; những chú vẹt đỏ cánh xanh sặc sỡ khiến du khách cảm thấy như lạc vào thế giới phim hoạt hình Rio.

Du khách thích thú sờ vào rồng đất Komodo.
Du khách thích thú sờ vào rồng đất Komodo. Ảnh: T.THÚY

Tuy nhiên, hấp dẫn nhất ở Safari Phú Quốc vẫn là khu bán hoang dã. Nếu như ở khu vực vườn thú mở du khách đi xem thú, thì ở khu vực bán hoang dã du khách đi “cho thú xem”. Ngồi trong xe buýt chắc chắn, cửa đóng kín chỉ có thể mở được từ bên trong, xuyên qua hệ thống cửa bảo vệ 2 lớp theo kiểu “một đóng, một mở” (lớp cửa này đóng rồi mới mở được lớp cửa kia, để thú dữ không thể thoát ra ngoài), du khách hồi hộp tiến vào lãnh địa của các loài chúa tể sơn lâm. Xe di chuyển khá chậm để du khách quan sát. Xa xa dưới lùm cây là một bầy hổ Bengal đang “sinh hoạt gia đình”, chợt một con hổ to lớn nhổm dậy oai vệ tiến về phía chiếc xe, nhìn chằm chằm “sinh vật lạ” bằng đôi mắt màu hổ phách. Một cảm giác rờn rợn đột nhiên chạy dọc sống lưng, nếu không phải biết chắc có chiếc xe buýt bảo vệ, có lẽ nhiều người đã té xỉu trước đôi mắt lạnh lùng của chúa sơn lâm.

Cọp, ngựa vằn được nuôi thả tự nhiên trong khu bán hoang dã. Ảnh: T.THÚY
Cọp, ngựa vằn được nuôi thả tự nhiên trong khu bán hoang dã. Ảnh: T.THÚY

Sư tử châu Phi, linh dương sừng thẳng, linh dương sừng xoắn, ngựa vằn, hươu cao cổ - những loài trước đây chỉ có thể nhìn thấy trong chương trình Thế giới động vật, cũng có mặt tại đây. Khu vực bán hoang dã có đến 45 loài động vật trên thế giới, trong đó có khá nhiều cá thể tê giác - loài động vật quý hiếm nằm trong nguy cơ bị tuyệt chủng.

Vừa tìm hiểu, vừa giáo dục

Một trong những điều còn gây tranh cãi đối với hoạt động nuôi dưỡng, bảo tồn bán hoang dã như ở Safari Phú Quốc, đó là hoạt động này ít nhiều vẫn gây ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, đặc tính tự nhiên của các loài thú hoang dã, bởi bất cứ sự tác động, can thiệp nào của con người cũng đều là phản tự nhiên. Tình trạng nuôi nhốt sẽ khiến những nhu cầu sinh học của thú không được đáp ứng hoàn toàn, dễ lây bệnh cho nhau, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, mất khả năng tự sinh tồn trong tự nhiên. Ngay cả hoạt động tham quan cũng có thể tác động đến tinh thần của thú, khí xăng thải ra xe buýt chở khách tham quan cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, rõ ràng là nếu không có những “sở thú mở” như Safari Phú Quốc, người dân trong nước sẽ không thể nào có điều kiện tận mắt nhìn, tìm hiểu, hiểu biết, trải nghiệm về các loài thú quý hiếm trên thế giới. Và với những thú có nguy cơ tuyệt chủng như tê giác, nếu không được bảo tồn ở vườn thú chắc chắn có ngày sẽ biến mất thật.

Bầy hồng hạc an lành vui đùa trong khu vực vườn thú mở. Ảnh: T.THÚY
Bầy hồng hạc an lành vui đùa trong khu vực vườn thú mở. Ảnh: T.THÚY

“Điểm cộng” cho Safari Phú Quốc là không chỉ nhằm vào hoạt động tham quan, nơi này còn chú trọng đến mảng nâng cao nhận thức của du khách về bảo tồn động vật hoang dã. Tất cả các hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ tại đây đều gọi các loài thú bằng từ “bạn”, gây cảm giác thân thiện; lồng vào giữa thông tin liên quan về các loài thú là những hiểm họa mà chúng phải đương đầu (nạn săn bắn tê giác để lấy sừng, săn voi lấy ngà, bắn hổ lấy xương nấu cao hổ cốt… dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng). Nhiều du khách nghe những thông tin này, nhất là du khách “nhí” đã bày tỏ sự thương cảm đối với các loài thú, điều này mang tính giáo dục rất cao.

Tuy nhiên, “điểm trừ” của nơi này, theo tôi, đó là Safari Phú Quốc vẫn mang đậm văn hóa Thái Lan mà thiếu nét văn hóa Việt Nam. Trong các khu vực được bố trí theo phong cách văn hóa các khu vực, như: khu Nam Á (Ấn Độ), khu châu Phi hoang dã, khu đồng cỏ châu Úc, khu Nam Mỹ - Amazone... khu bản địa Việt Nam thiết kế rất mờ nhạt, không tạo được dấu ấn trong lòng du khách.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều